Thận Trọng Cây, Con Đặc Sản: Nuôi Dúi

Năm 2006, thanh niên Dương Văn Phương (làng Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bắt đầu nuôi dúi. Chỉ sau mấy năm, anh đã tích lũy được một số kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi loại con đặc sản này.
Câu chuyện giữa chúng tôi và Phương luôn bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại từ rất nhiều nơi gọi đến số máy của anh, chủ yếu là người nuôi dúi. Người gọi đặt mua dúi con, người nhờ tư vấn cụ thể khi đàn dúi của họ gặp “sự cố” hay bệnh tật. Ai cũng được anh hướng dẫn một cách nhiệt tình, có những cuộc điện thoại tới hơn mười phút.
Giữa những cuộc điện thoại đó, câu chuyện của chúng tôi chẳng có gì khác ngoài chuyện con dúi. Phương bảo, trên thị trường, dúi (có nơi còn gọi là con rúi) được xếp vào loại đặc sản; thịt dúi ngon, mát, giầu đạm. Đây là loại con dễ nuôi, chi phí rất thấp, ít tốn diện tích. Và để minh chứng, anh dẫn chúng tôi ra khu chuồng nuôi dúi của mình.
Quả đúng như lời anh nói. Mỗi ô chuồng chỉ có chiều rộng 50 cm, chiều dài chừng 50-60 cm, chiều cao cũng tương đương chiều dài, trong chuồng lát gạch men. Có chuồng thậm chí chỉ được ghép trực tiếp bằng 4 tấm gạch men loại 50x50 cm. Đây là loại chuồng dùng cho dúi sinh sản, mỗi chuồng một con cái.
Hiện tại Phương có 100 dúi cái đẻ. Loại chuồng nuôi dúi thương phẩm rộng hơn, mỗi chuồng chừng 2 m2 hoặc lớn hơn chút ít, xây cao chừng 70 cm và bên trong cũng lát gạch men, có thêm những ống cống nhỏ hoặc gốc cây để chúng trú ẩn, tùy theo số lượng dúi nuôi trong chuồng dày hay mỏng.
- Dúi là loài leo trèo kém nhưng đào hang rất giỏi, nên nền chuồng phải láng xi măng dày rồi lát gạch men để đề phòng chúng đào hang từ trong chuồng thoát ra ngoài; chỉ cần dùng loại gạch chất lượng thấp hoặc gạch phế thải, tạo độ nhẵn để dúi không thể bám mà leo được. Nắp chuồng dùng lưới mắt cáo đậy để đề phòng mèo, chó vào cắn dúi và tạo độ thoáng. Loài dúi không ưa ánh sáng trực tiếp , vì vậy nên tạo ra ánh sáng tán xạ, tức là ánh sáng đã qua vật cản…
Tôi hỏi Phương:
- Nhà tôi đang nuôi thử mấy con, mỗi con chừng 7-8 lạng, nguồn dúi là mua trôi nổi từ Sơn La về, do bà con đi rừng bắt được mang bán, mới nuôi được một tuần nay. Tôi cho chúng ăn mía (ngọn mía, gốc mía), ngô bắp đã phơi khô (chưa tỉa hạt) và sắn củ tươi, khoai lang tươi. Nhưng từ hôm mua về đến nay, chúng chỉ ăn mía chứ không đụng đến ba thứ kia, tại sao?
- Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu là rễ tre, măng tre, thân tre và các cây họ nhà mía; chúng chỉ ăn thân chứ không ăn lá. Là loài gặm nhấm, cũng như chuột nên răng dúi dài rất nhanh, bắt buộc phải gặm nhấm liên tục cho răng mòn bớt đi, nếu không, răng mọc quá dài khiến dúi không ăn được và sẽ chết.
Ngoài mía, bác nên để vào chuồng mấy đoạn tre tươi, loại tre bằng ngón tay cái, đặc; mỗi đoạn chừng 6 đến 7 cm để chúng gặm. Còn ngô, sắn, khoai lang, cứ để đấy, rồi dần dà quen, chúng sẽ ăn, nhưng không nên để cả ba thứ một lúc mà cho từng thứ một, có thứ nọ thì thôi hai thứ kia.
Tuy nhiên, anh Phương cũng khuyến cáo bà con thận trọng với vật nuôi đặc sản này; không nên nuôi quy mô lớn khi chưa có đầu ra ổn định. "Mấy năm nay ở một số nơi ồ ạt nuôi cá sấu, gà HMông, nhím... theo phong trào, nhưng đầu ra bão hòa; không bán được hoặc bán với giá rất thấp; nuôi đặc sản thành... lỗ đặc.
Cẩn thận hơn, Phương còn kê chi tiết cho tôi định lượng thức ăn hàng ngày cho mỗi con dúi, tùy theo độ tuổi, từ 1 đến 3 tháng tuổi, từ 3 đến 5 tháng tuổi. Riêng dúi trưởng thành, anh cho biết, với loại dúi sinh sản, khẩu phần ăn của mỗi con hàng ngày là 1 đoạn cây họ tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) từ 7-8 cm, 1 đoạn cây họ mía (cỏ voi hay các loại mía…) chừng 8-10 cm.
Ngoài ra còn cho thêm thức ăn bổ sung gồm ngô, khoai hay sắn, mà chỉ dùng 1 trong 3 loại đó, có loại nọ thì thôi 2 loại kia. Mỗi con 1 ngày chỉ cần 25 đến 30 hạt ngô hoặc 1 củ khoai lang nhỏ, hoặc 1 lát sắn là đủ. Với dúi nuôi thương phẩm, lượng thức ăn cũng như với dúi sinh sản nhưng tăng lên gấp rưỡi, và cứ hết lại cho ăn…
Với 100 con dúi cái sinh sản, mỗi con 1 năm đẻ từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 5 con. Mỗi năm, đàn dúi sinh sản của anh cho ra đời hàng trăm dúi con, nhưng không bao giờ ế, nhiều lúc còn “cháy” hàng.
Dúi con dưới 0,4 kg/con có giá 700 ngàn đồng/đôi, dúi trên 0,4 kg/con có giá 1 triệu đồng/đôi. Dúi thương phẩm có giá 400 ngàn đồng/kg, nuôI to có con đạt tới 3 kg. Nhìn cơ ngơi khang trang của Phương, tôi hiểu, tất cả đều từ dúi mà ra.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Huỳnh Văn Bá - chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp), với 480ha xoài mỗi năm HTX phải chi gần tỉ đồng để nhập gần 1,5 triệu bao bọc trái từ Đài Loan.

Cuối tuần qua, tại ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An) đã diễn ra lễ khai trương Cơ sở sản xuất rượu vang thanh long, do Cty TNHH MTV Sản xuất rượu vang thanh long tổ chức.

Cụ thể, giá tôm loại 100 con/kg là trên dưới 105.000 đồng/kg, loại 70 con/kg, giá từ 115.000-118.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng Năm.

Các mặt hàng nông sản tươi như khoai, chuối, hồng, rau củ… đang “đau đầu” vì giá cả bấp bênh, thì ngược lại, các sản phẩm này khi được sấy khô lại bán với giá rất cao.

Từ cách đây vài chục năm, cây sơn lấy nhựa đã xuất hiện trên đất Thanh Sơn và phát triển ở một số xã như: Thạch Khoán, Sơn Hùng, Hương Cần, Văn Miếu, Võ Miếu do những người từ huyện Tam Nông di thực vào, hoặc học hỏi bà con giáp ranh.