Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng

Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng
Ngày đăng: 28/04/2014

Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.

Vùng rau La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã có từ lâu, trước đây nơi này một năm chỉ sản xuất một vụ Đông Xuân, thời gian còn lại trong năm bà con để đất hoang, không sản xuất được do thiếu nước. Năm 2010, vùng rau bắt đầu biến chuyển nhờ hình thành Hợp tác xã (HTX) rau La Hường và được Sở Nông nghiệp và PTNT chọn một trong những địa điểm đầu tư triển khai Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (QSEAP). Đến nay sau hơn 4 năm, rau La Hường đã trở nên quen thuộc với những người ưa chuộng rau sạch, đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường rau an toàn của thành phố Đà Nẵng.

Với diện tích 7,5ha, hằng năm bà con nông dân sản xuất đa dạng các chủng loại rau như: rau muống, rau lang, xà lách, rau dền, rau cải các loại, mồng tơi, đọt bí... đến đủ các loại rau ăn quả: mướp, ớt, khổ qua, đậu bắp,... đem lại thu nhập cho các hộ từ 20-30 triệu đồng/sào/năm.

Khuôn mặt rạng rỡ, chỉ tay vào ngôi nhà khang trang mới xây, chị Tân Thị Nga, một trong những xã viên tiên phong tham gia sản xuất rau an toàn tự hào chia sẻ: “Việc áp dụng sản xuất rau an toàn, đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định - trên trăm triệu đồng một năm, nhờ đó tôi có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học và xây mới ngôi nhà này”.

Cả ngày làm ở đồng rau, thức dậy từ 2 giờ đêm để thu hoạch và chở đi các chợ bán sỉ vào tờ mờ sáng, công việc không lúc nào ngơi tay, chị phấn khởi cho biết thêm: “Rau của tôi và bà con trong vùng làm ra được tiêu thụ rất nhanh, ngoài bán sỉ cho các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, chợ Cồn,... các nhà hàng, công ty, siêu thị cũng tìm đến đặt vấn đề với HTX để cung cấp rau sạch, chúng tôi cảm thấy rất an tâm để đầu tư, mở rộng sản xuất”.

Ông Trần Văn Hoàng – Chủ nhiệm HTX rau La Hường cho biết, để bà con có được thu nhập ổn định từ nghề trồng rau như hiện nay, từ những ngày đầu thành lập được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của Dự án QSEAP, các hộ xã viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo thực hành sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai qua nhiều năm.

Nhờ đó bà con được trang bị kiến thức cả lý thuyết lẫn thực hành kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đã cùng nhau đồng lòng áp dụng vào thực tế sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và bền vững môi trường.

Vùng rau La Hường là vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng đã được Trung tâm quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cũng nhờ đó mà thương hiệu rau an toàn La Hường lại càng được người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng vào chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những nơi tiêu thụ như siêu thị, các công ty, cửa hàng phân phối rau sạch,..., bà con sản xuất rau nơi đây có đầu ra ổn định, thu nhập cao.

Đến vùng rau trong những ngày này, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng của vùng rau La Hường đã khá hoàn thiện. Các tuyến đường, nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, hệ thống điện, 04 tuyến kênh tiêu và 03 cửa xả, 13 bể dự trữ nước, 04 hố thu gom rác, vỏ thuốc BVTV, 02 nhà lưới với kích thước 5.400 m2 đã được thi công từ sự hỗ trợ đầu tư của Dự án QSEAP.

Bên cạnh đó, làng rau La Hường còn được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, kịp thời của Sở Nông nghiệp và PTNT - Đây cũng là điểm tựa để trong thời gian tới HTX rau La Hường sẽ mạnh dạn mở rộng thêm 2ha diện tích và trồng thử các loại cây có giá trị kinh tế cao xuất xứ từ Đà Lạt như: cải bó xôi, bắp cải tím, súp lơ san hô, …

Vùng rau La Hường có hạ tầng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho nông dân tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè Phát Triển Kinh Tế Từ Cây Chè

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Mỹ Bằng huyện Yên Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống chè cành mới có hiệu quả kinh tế vào sản xuất trên đất vườn đồi để tăng thu nhập và nâng cao đời sống kinh tế.

18/06/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá – Lợn An Toàn Sinh Học Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá – Lợn An Toàn Sinh Học

Những năm gần đây, mô hình nuôi heo (lợn) kết hợp với thả cá đã không còn xa lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

18/06/2013
Cây Đu Đủ - Cây Trồng Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Huyện Cam Lâm Cây Đu Đủ - Cây Trồng Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Huyện Cam Lâm

Trong 2 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có khoảng 10 ha trồng đu đủ, trong đó xã Cam Hiệp Nam 6 ha, Cam Hiệp Bắc 2 ha và Cam Hòa 2 ha. Đu đủ là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác như mía, sắn (mỳ)… ở những chân đất cao thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới.

18/06/2013
Ông Hồng Làm Giàu Bằng Nghề Nông Ông Hồng Làm Giàu Bằng Nghề Nông

Ở thôn Dương Sơn xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) có mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Ngô Mạnh Hồng gồm 1,5 mẫu ruộng khoán, một khu riêng biệt nuôi gà đẻ trứng với diện tích gần 100m2, cùng với 13ha ruộng thuê để sản xuất khoai tây giống.

18/06/2013
Người Phụ Nữ Không Cam Chịu Đói Nghèo Người Phụ Nữ Không Cam Chịu Đói Nghèo

Men theo con đường đất chúng tôi tìm về nhà chị Bùi Thị Trạm ở xóm Dài xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn. Đón tôi là một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ nhưng khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười xởi lởi. Nhìn cơ ngơi của chị, khó ai có thể tin rằng trước đây chị là một hộ nghèo trong xã.

18/06/2013