Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng

Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.
Vùng rau La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã có từ lâu, trước đây nơi này một năm chỉ sản xuất một vụ Đông Xuân, thời gian còn lại trong năm bà con để đất hoang, không sản xuất được do thiếu nước. Năm 2010, vùng rau bắt đầu biến chuyển nhờ hình thành Hợp tác xã (HTX) rau La Hường và được Sở Nông nghiệp và PTNT chọn một trong những địa điểm đầu tư triển khai Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (QSEAP). Đến nay sau hơn 4 năm, rau La Hường đã trở nên quen thuộc với những người ưa chuộng rau sạch, đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường rau an toàn của thành phố Đà Nẵng.
Với diện tích 7,5ha, hằng năm bà con nông dân sản xuất đa dạng các chủng loại rau như: rau muống, rau lang, xà lách, rau dền, rau cải các loại, mồng tơi, đọt bí... đến đủ các loại rau ăn quả: mướp, ớt, khổ qua, đậu bắp,... đem lại thu nhập cho các hộ từ 20-30 triệu đồng/sào/năm.
Khuôn mặt rạng rỡ, chỉ tay vào ngôi nhà khang trang mới xây, chị Tân Thị Nga, một trong những xã viên tiên phong tham gia sản xuất rau an toàn tự hào chia sẻ: “Việc áp dụng sản xuất rau an toàn, đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định - trên trăm triệu đồng một năm, nhờ đó tôi có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học và xây mới ngôi nhà này”.
Cả ngày làm ở đồng rau, thức dậy từ 2 giờ đêm để thu hoạch và chở đi các chợ bán sỉ vào tờ mờ sáng, công việc không lúc nào ngơi tay, chị phấn khởi cho biết thêm: “Rau của tôi và bà con trong vùng làm ra được tiêu thụ rất nhanh, ngoài bán sỉ cho các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, chợ Cồn,... các nhà hàng, công ty, siêu thị cũng tìm đến đặt vấn đề với HTX để cung cấp rau sạch, chúng tôi cảm thấy rất an tâm để đầu tư, mở rộng sản xuất”.
Ông Trần Văn Hoàng – Chủ nhiệm HTX rau La Hường cho biết, để bà con có được thu nhập ổn định từ nghề trồng rau như hiện nay, từ những ngày đầu thành lập được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của Dự án QSEAP, các hộ xã viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo thực hành sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai qua nhiều năm.
Nhờ đó bà con được trang bị kiến thức cả lý thuyết lẫn thực hành kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đã cùng nhau đồng lòng áp dụng vào thực tế sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và bền vững môi trường.
Vùng rau La Hường là vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng đã được Trung tâm quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cũng nhờ đó mà thương hiệu rau an toàn La Hường lại càng được người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng vào chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những nơi tiêu thụ như siêu thị, các công ty, cửa hàng phân phối rau sạch,..., bà con sản xuất rau nơi đây có đầu ra ổn định, thu nhập cao.
Đến vùng rau trong những ngày này, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng của vùng rau La Hường đã khá hoàn thiện. Các tuyến đường, nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, hệ thống điện, 04 tuyến kênh tiêu và 03 cửa xả, 13 bể dự trữ nước, 04 hố thu gom rác, vỏ thuốc BVTV, 02 nhà lưới với kích thước 5.400 m2 đã được thi công từ sự hỗ trợ đầu tư của Dự án QSEAP.
Bên cạnh đó, làng rau La Hường còn được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, kịp thời của Sở Nông nghiệp và PTNT - Đây cũng là điểm tựa để trong thời gian tới HTX rau La Hường sẽ mạnh dạn mở rộng thêm 2ha diện tích và trồng thử các loại cây có giá trị kinh tế cao xuất xứ từ Đà Lạt như: cải bó xôi, bắp cải tím, súp lơ san hô, …
Vùng rau La Hường có hạ tầng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho nông dân tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 25/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) về triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ bằng khay tự động và cấy máy trên địa bàn.

Chỉ vài sào đất bãi bồi, nhưng qua bàn tay cần mẫn của ông, nó cũng đủ sức nuôi sống 4 người. Lý do là, rau, quả của ông không phải hạng xoàng, mà toàn hàng độc đáo nên dù giá bán có nhỉnh hơn, bạn hàng vẫn tranh nhau mua. Ông chính là Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá hồ tiêu những ngày gần đây trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động ở mức 146.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 9/2013.

Có lẽ, tết này đối với đồng bào Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lak (Dak Lak) niềm vui được nhân đôi khi giá ca cao lên gần 50.000 đồng/kg. Cây ca cao bén duyên trên vùng đất này được xem như “cú hích” thúc đẩy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông) đã thự hiện luân canh lúa – khoai; giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa thuần.