Thăm Vùng Rau Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Đầu Tiên Của Đà Nẵng

Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.
Vùng rau La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã có từ lâu, trước đây nơi này một năm chỉ sản xuất một vụ Đông Xuân, thời gian còn lại trong năm bà con để đất hoang, không sản xuất được do thiếu nước. Năm 2010, vùng rau bắt đầu biến chuyển nhờ hình thành Hợp tác xã (HTX) rau La Hường và được Sở Nông nghiệp và PTNT chọn một trong những địa điểm đầu tư triển khai Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp (QSEAP). Đến nay sau hơn 4 năm, rau La Hường đã trở nên quen thuộc với những người ưa chuộng rau sạch, đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường rau an toàn của thành phố Đà Nẵng.
Với diện tích 7,5ha, hằng năm bà con nông dân sản xuất đa dạng các chủng loại rau như: rau muống, rau lang, xà lách, rau dền, rau cải các loại, mồng tơi, đọt bí... đến đủ các loại rau ăn quả: mướp, ớt, khổ qua, đậu bắp,... đem lại thu nhập cho các hộ từ 20-30 triệu đồng/sào/năm.
Khuôn mặt rạng rỡ, chỉ tay vào ngôi nhà khang trang mới xây, chị Tân Thị Nga, một trong những xã viên tiên phong tham gia sản xuất rau an toàn tự hào chia sẻ: “Việc áp dụng sản xuất rau an toàn, đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định - trên trăm triệu đồng một năm, nhờ đó tôi có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học và xây mới ngôi nhà này”.
Cả ngày làm ở đồng rau, thức dậy từ 2 giờ đêm để thu hoạch và chở đi các chợ bán sỉ vào tờ mờ sáng, công việc không lúc nào ngơi tay, chị phấn khởi cho biết thêm: “Rau của tôi và bà con trong vùng làm ra được tiêu thụ rất nhanh, ngoài bán sỉ cho các chợ Cẩm Lệ, Hòa Khánh, chợ Cồn,... các nhà hàng, công ty, siêu thị cũng tìm đến đặt vấn đề với HTX để cung cấp rau sạch, chúng tôi cảm thấy rất an tâm để đầu tư, mở rộng sản xuất”.
Ông Trần Văn Hoàng – Chủ nhiệm HTX rau La Hường cho biết, để bà con có được thu nhập ổn định từ nghề trồng rau như hiện nay, từ những ngày đầu thành lập được sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư của Dự án QSEAP, các hộ xã viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo thực hành sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai qua nhiều năm.
Nhờ đó bà con được trang bị kiến thức cả lý thuyết lẫn thực hành kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đã cùng nhau đồng lòng áp dụng vào thực tế sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất và bền vững môi trường.
Vùng rau La Hường là vùng rau đầu tiên của Đà Nẵng đã được Trung tâm quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cũng nhờ đó mà thương hiệu rau an toàn La Hường lại càng được người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng vào chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những nơi tiêu thụ như siêu thị, các công ty, cửa hàng phân phối rau sạch,..., bà con sản xuất rau nơi đây có đầu ra ổn định, thu nhập cao.
Đến vùng rau trong những ngày này, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng của vùng rau La Hường đã khá hoàn thiện. Các tuyến đường, nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, hệ thống điện, 04 tuyến kênh tiêu và 03 cửa xả, 13 bể dự trữ nước, 04 hố thu gom rác, vỏ thuốc BVTV, 02 nhà lưới với kích thước 5.400 m2 đã được thi công từ sự hỗ trợ đầu tư của Dự án QSEAP.
Bên cạnh đó, làng rau La Hường còn được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, kịp thời của Sở Nông nghiệp và PTNT - Đây cũng là điểm tựa để trong thời gian tới HTX rau La Hường sẽ mạnh dạn mở rộng thêm 2ha diện tích và trồng thử các loại cây có giá trị kinh tế cao xuất xứ từ Đà Lạt như: cải bó xôi, bắp cải tím, súp lơ san hô, …
Vùng rau La Hường có hạ tầng khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho nông dân tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có thể bạn quan tâm

Theo nhiều người dân sống dọc bãi biển thuộc 2 xã Dân Thành và Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 5-2012 đến nay, khu vực này xuất hiện nghêu giống khá nhiều. Mỗi ngày có hàng trăm người dân tham gia cào nghêu giống bán lại cho thương lái. Vài năm trở lại đây, năm nào cũng có nghêu giống xuất hiện đem lại nguồn thu nhập cho bà con nghèo ven biển. Ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, cho biết: năm nay trữ lượng nghêu giống không nhiều hơn mọi năm, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân nghèo xuống biển cào nghêu giống kiếm thêm thu nhập.

Những năm gần đây, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư đưa vào trồng một số cây ăn quả như: Cam Đường Canh, nhãn, phật thủ, thanh long… Đặc biệt, mô hình xen canh cam Đường Canh và cây phật thủ ở xã Phượng Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích tôm được thả trong năm nay là 9ha tại xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B. Giá tôm giống năm nay cao hơn năm trước không nhiều, dao động từ 180 đồng - 185 đồng/con, cao hơn khoảng 15 đồng/con. Hiện đàn tôm phát triển rất tốt.

Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.

Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.