Thâm Canh Cho Hiệu Quả Cao

Chương trình trồng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) những năm qua đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng còn thấp do chưa chú trọng thâm canh, không được bón phân hàng năm.
Vừa qua, Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã xây dựng Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ".
Từ lúc sang xuân đến giờ, hầu như ngày nào cũng có mưa, những cơn mưa mùa xuân tạo điều kiện thuận lợi để cho những rừng tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành thêm xanh tốt. Đang vào thời kỳ chăm sóc tích cực để cây có sức cho vụ măng mới, mặc dù trời mưa phùn nhưng những cán bộ khuyến nông của Trạm Khuyến nông Trấn Yên cũng lặn lội vào tận thôn để hướng dẫn bà con bón phân cho đúng lịch.
Có cán bộ xuống tận nơi, đồng bào Mông, Tày chăm chú lắng nghe. Hướng dẫn xong, cán bộ lại tiếp tục cầm tận tay, chỉ tận việc, đào hố thế nào, sâu rộng bao nhiêu, bón phân thế nào là đủ.
Bà Hoàng Thị Đào ở thôn Khe Tối cho biết: "Qua mấy lớp tập huấn, tôi đã biết để quá nhiều cây mẹ già cỗi, không khai thác củ giống, nhất là chưa chú trọng bón phân đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng măng.
Chăm sóc theo phương pháp mới, nếu trừ chi phí về phân bón khoảng 4 triệu đồng/ha thì 1ha tre Bát Độ chăm sóc đúng quy trình, bón bổ sung thêm 2 loại phân, mỗi năm có thể cho thu lãi cao hơn cách chăm sóc truyền thống từ 15 triệu đồng".
Trong hai năm 2012 và 2013, Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã xây dựng Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ" với diện tích 3ha nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ; phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở áp dụng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho người dân để đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tre Bát Độ giai đoạn kinh doanh.
Trước kia, người dân rất ít bón phân hoặc chỉ bón 1 lần duy nhất và để thay đổi thói quen đó, Trạm hướng dẫn bón phân 3 lần: lần 1 bón 3,0 lít/khóm phân hữu cơ MV vào tháng 3; lần 2 bón 1,0kg/khóm phân NPK 5-10-3 vào tháng 3; lần 3 bón với lượng 1,0kg/khóm phân NPK 12-5-10 vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Kết quả thực tế cho thấy, trong năm 2012, diện tích tre sử dụng phân hữu cơ MV và phân NPK 5-10-3 bón vào tháng 5, bón bổ sung phân NPK 12-5-10 vào tháng 6 sinh trưởng, phát triển tốt, măng mọc tập trung, độ dày của óng tươi, khả năng chống chịu sâu bệnh, khắc phục tình trạng ngọn măng bị thối nên năng suất, sản lượng măng cao hơn hơn gần 85% so với lô đối chứng chỉ sử dụng phân NPK 3-10-3 bón 1 lần vào tháng 3.
Năm 2013, số lứa thu hoạch măng ở lô thực nghiệm nhiều hơn lô đối chứng 1 lứa/vụ; số ngọn măng/khóm/lứa của lô thực nghiệm nhiều hơn, trọng lượng trung bình ngọn măng cao hơn, độ dày trung bình óng tươi, cao hơn. Bằng cách chăm sóc này, măng sẽ cho năng suất đạt 36 tấn/ha, cao hơn 16 tấn/ha so với cách chăm sóc truyền thống và với giá bán như hiện nay, thu nhập của nông dân sẽ tăng thêm khoảng 15 triệu đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm bệnh đốm lá và bệnh thối măng là 2 bệnh điển hình trên tre Bát Độ cũng giảm do cây được cung cấp dinh dưỡng đảm bảo và vỏ măng, rác sau thu hoạch được dọn sạch.
Qua Dự án cho thấy, với những loại cây trồng đã có truyền thống canh tác lâu năm nhưng nếu áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn cho năng suất và chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thiệt hại do dịch bệnh, do nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi trong mùa mưa liên tục bị thiếu hụt. Để cải thiện tình hình này, nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng phương pháp ương nuôi tôm trong nhà vèo và thu được kết quả khả quan.

Từng làm việc trong một doanh nghiệp ngành Than với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng/tháng thế nhưng Đinh Hữu Hiền (khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã quyết định nghỉ việc để về nhà nuôi gà. Anh Hiền tâm sự: Thời điểm cách đây 5 năm, 7 triệu cũng là to, với mức thu nhập ấy nhiều người muốn xin vào làm.

Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Quảng Bình đang đi những bước cuối cùng chuyển toàn bộ khu nuôi tôm công nghiệp 120ha của Công ty Sông Gianh cho người dân xã Phú Trạch sản xuất trong tháng 9, chấm dứt việc bỏ hoang gần 10 năm nay.

Với quy mô kinh tế gia đình, nông dân nhiều địa phương ở An Giang đã tổ chức nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư đồng vốn trong điều kiện có được, tận dụng ngày công lao động… tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, vừa giúp ích việc làm cho số đông hộ nghèo ở xóm, ấp, vừa có khả năng nhân rộng trên địa bàn dân cư và phát triển mạnh ở nông thôn.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.