Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thách Thức Với Nghề Trồng Ca Cao Ở Bến Tre

Thách Thức Với Nghề Trồng Ca Cao Ở Bến Tre
Ngày đăng: 18/11/2013

Những năm gần đây, Bến Tre là một trong những tỉnh được đánh giá có mức tăng trưởng khá ổn định về sản xuất ca cao. Tuy nhiên, sản xuất ca cao cũng gặp nhiều khó khăn: qui mô sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, diện tích manh mún, thiếu tính đồng bộ về chăm sóc, đầu tư, kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ luôn chịu áp lực cạnh tranh với các cây trồng khác.

Theo số liệu điều tra mới nhất của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, hiện Bến Tre đã trồng được 10.667ha ca cao, trong đó diện tích cho trái hơn 4.500ha, năng suất hạt khô bình quân đạt gần 600kg/ha, sản lượng trái tươi trên 30.000 tấn, giá bán bình quân 42.000 đồng/kg hạt khô, tổng thu nhập cả năm từ việc bán trái ca cao trên 90 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015, diện tích ca cao toàn tỉnh sẽ đạt 15.000ha. Tuy nhiên, điều rất đáng quan ngại là thời gian gần đây một số hộ dân đốn bỏ ca cao để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Cụ thể, số ca cao bị đốn bỏ và chết từ khi trồng (trước 2010) đến đầu tháng 7 năm 2013 là 1.944ha, chiếm 18,22%. Nguyên nhân chủ yếu do giá mua ca cao trong thời gian này xuống thấp (chỉ khoảng 3.000 đồng/kg trái tươi), trong khi đó giá bưởi da xanh tăng lên rất cao (hơn 60.000 đồng/kg) nên đối với những vườn quy mô nhỏ (3.000m2) mật độ trồng dừa và ca cao quá dày, thiếu chăm sóc nên không có hiệu quả, người dân đốn bỏ ca cao (hoặc tỉa thưa) và một số cây trồng khác để chuyển qua trồng bưởi và cây có múi.

Ngoài ra, một số nơi ca cao trồng xen trong vườn nhãn (Châu Thành, Bình Đại) vào năm 2006, hiện nay nhãn lớn và đang có giá nên dân ưu tiên giữ lại cây nhãn trong vườn, loại bỏ ca cao. Tại các xã Phú Vang, Vang Quới Đông (Bình Đại), nhiều hộ nuôi tôm thẻ ngay trong khu vực quy hoạch trồng ca cao đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển ca cao; thậm chí gây chết do nhiễm mặn nên nông dân cũng loại bỏ diện tích ca cao đã trồng trước đây. Hiện nay giá ca cao đang tăng, ca cao hạt khô đạt chứng nhận UTZ giá khoảng 55.000 đồng/kg, giá ca cao thường khoảng 52.000 đồng/kg (giá trái tươi 4.200-4.700đ/kg), tăng hơn so với tháng 6-2013 khoảng 30%, dự báo giá sắp tới sẽ ổn định và có xu hướng tăng. Việc thực hiện chương trình ca cao Chứng nhận UTZ do Helvetas - Thụy Sĩ tài trợ đang có tiến triển tốt, được sự ủng hộ nhiệt tình của nông dân và chính quyền các địa phương. Hiện nay toàn tỉnh có 79 câu lạc bộ ca cao chứng nhận, có trên 1.700 hộ nông dân tham gia với quy mô hơn 1.000ha ca cao được bao tiêu với giá cao hơn ca cao thường 250-300đ/kg trái tươi.

Phát triển hệ thống sản xuất được chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ (tương đương GlobalGAP) sẽ làm tiền đề cho việc phát triển ca cao có năng suất chất lượng hơn, hướng đến sản xuất hữu cơ và thương mại công bằng. Mặt khác, sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ sẽ đạt được mục tiêu trước mắt là xây dựng các liên kết giữa nông dân với người sơ chế và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hiệu quả bền vững với số lượng nông dân tham gia tăng dần, tăng thu nhập, đa dạng hóa sản xuất và lâu dài là nâng cao điều kiện sống của các thành viên tham gia, nhất là nông dân thông qua việc cải thiện các điều kiện về tổ chức sản xuất, kinh tế - xã hội và môi trường.

Thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, các trạm huyện thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật theo yêu cầu của các xã có trồng ca cao (hàng năm tổ chức hơn 100 lớp tập huấn và hơn 500 lần sinh hoạt câu lạc bộ nông dân); phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, xã tổ chức các đoàn tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất tại các địa phương, đặc biệt chú trọng thời điểm hạn mặn. Tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng kỹ thuật, chăm sóc của các nhà vườn chưa tương ứng với tiềm năng về năng suất của cây ca cao, do thiếu động lực kinh tế, thiếu ý thức chăm sóc, thiếu lao động, thiếu vốn.

Hiện nay, việc đốn ca cao hàng loạt không còn diễn ra, một số địa phương đang đăng ký diện tích trồng mới theo tinh thần của Ban chỉ đạo là đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Hiện số lượng cây ca cao giống nông dân đăng ký trồng mới là hơn 40.000 cây, tương đương 80ha. Năm 2014 và các năm sau, diện tích sẽ phát triển tùy thuộc vào sự hấp dẫn của thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, nhu cầu về hạt ca cao sẽ tăng lên 5% trong niên vụ 2013-2014 và những năm tiếp theo, đặc biệt sẽ có nhu cầu cao ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Đông Âu.

Từ những bài học kinh nghiệm ở các nước trồng ca cao trên thế giới và qua đúc kết thực tiễn sản xuất tại Bến Tre cho thấy để sản xuất ca cao phát triển theo hướng bền vững, cần tập trung quan tâm đầu tư đồng bộ các yếu tố kỹ thuật, kinh tế - xã hội như: Về mặt kỹ thuật, người nông dân khi trồng ca cao cần được trang bị ý thức, kỹ năng nhằm nắm vững và ứng dụng tốt các giải pháp khoa học kỹ thuật cần thiết để có khả năng thâm canh tăng năng suất.

Quản lý tốt chất lượng, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do dịch hại hoặc các yếu tố tự nhiên bất lợi gây ra. Đặc biệt, việc sản xuất bền vững còn đồng nghĩa với việc áp dụng các giải pháp tạo môi trường canh tác an toàn, ổn định, hợp lý. Về mặt kinh tế, phải bảo đảm nguồn thu nhập ổn định trước mắt cũng như về lâu dài tính trên cả hệ thống canh tác dừa - ca cao. Đặc biệt, khả năng tham gia liên kết, hợp tác trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, khả năng nắm bắt thông tin tiêu thụ sản phẩm và dự báo thị trường. Về mặt xã hội, môi trường sản xuất và sản phẩm làm ra phải thể hiện trách nhiệm cao đối với cộng đồng, người tiêu dùng và ngược lại, nông dân luôn được cộng đồng quan tâm, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ những vấn đề cần thiết trong quá trình tổ chức sản xuất.

Từ thực tế cho thấy, việc sản xuất ca cao cần hướng đến những giải pháp cơ bản như tập trung việc tiếp nhận, chuyển giao, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chủ yếu như chọn giống, tỉa cành tạo tán, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sinh học hữu cơ trong canh tác, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Xây dựng hoàn chỉnh vườn ca cao mẫu tại từng xã trọng điểm để làm mô hình tập huấn khuyến nông, ghi chép nông hộ từ vật tư đầu vào cho đến thu hoạch để làm cơ sở hạch toán kinh tế, qua đó cho thấy giá trị kinh tế từ cây ca cao và thu hút thêm nông dân trồng ca cao. Khai thác thế mạnh về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu để tập trung sản xuất ca cao chất lượng cao, tạo thương hiệu riêng cho ca cao Bến Tre.

Liên kết, hợp tác sản xuất, hỗ trợ các địa phương xây dựng các câu lạc bộ hoặc tổ liên kết hợp tác sản xuất ca cao chứng nhận, nhằm tạo dựng môi trường và điều kiện thích hợp để liên kết nông dân trong việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sơ chế, hợp đồng tiêu thụ và chia sẻ kinh nghiệm. Liên kết hệ thống các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm ca cao một cách chặt chẽ bằng các giải pháp như tham gia một cách gắn bó trong chuỗi sản xuất; năng động trong việc hình thành và phát huy chuỗi giá trị, có chính sách hợp tác kinh doanh minh bạch và có trách nhiệm đảm bảo hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Tuyên Truyền Không Gây Hại Cho Cá Heo Khi Đánh Bắt Cá Ngừ Tuyên Truyền Không Gây Hại Cho Cá Heo Khi Đánh Bắt Cá Ngừ

Vừa qua, tại Cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hoạt động truyền thông “Không gây hại cho cá heo - Dolphin safe” khi đánh bắt cá ngừ. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình truyền thông “Không gây hại cá heo” được thực hiện tại 7 tỉnh tập trung nghề khai thác cá ngừ Việt Nam trên cả nước.

19/01/2015
Thuế Tăng, Giá Cá Tra Nguyên Liệu Vẫn Ổn Định Thuế Tăng, Giá Cá Tra Nguyên Liệu Vẫn Ổn Định

Giá cá tra nguyên liệu được giữ ổn định, dù mức thuế cuối cùng của kỳ POR 10 đối với cá tra xuất khẩu vào Mỹ có tăng hơn so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó vào tháng 7-2014. Trong ảnh là nông dân Cần Thơ đang cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh

19/01/2015
Quan Trắc Môi Trường Tại 30 Điểm Nuôi Trồng Thủy Sản Quan Trắc Môi Trường Tại 30 Điểm Nuôi Trồng Thủy Sản

Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2015 - 2020 là tiến hành quan trắc môi trường tại 30 điểm nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy.

19/01/2015
Chăn Nuôi Gà Dưới Tán Cao Su Chăn Nuôi Gà Dưới Tán Cao Su

Thời gian qua, giá cao su giảm mạnh khiến nhiều người trồng cao su lo lắng, thì gia đình anh Trần Văn Hùng, thôn Lạc Sơn, xã Gio Sơn (huyện Gio Linh,Quảng Trị) vẫn có nguồn thu nhập ổn định nhờ biết tận dụng bóng mát lô cao su để chăn nuôi gà ta thả vườn.

19/01/2015
Gà Đông Tảo Không Đủ Bán Gà Đông Tảo Không Đủ Bán

Gà Đông Tảo là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên, có đặc điểm nổi bật là cặp chân to, xấu xí, thô ráp nhưng thịt giòn và thơm ngon. Chân gà càng to thì càng hiếm, giá càng cao. Giống gà Đông Tảo rất khó nuôi nên giá luôn ở mức cao, nhất là trong dịp tết.

19/01/2015