Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thả Tôm Sú Với Rong Câu Chung Hồ

Thả Tôm Sú Với Rong Câu Chung Hồ
Ngày đăng: 12/09/2014

Lâu nay, “bài toán” làm đau đầu người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vấn đề chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ sau mỗi chu kỳ nuôi tồn lắng dưới đáy ao hồ cùng với nguồn nước thải từ ao nuôi tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái.

Và cũng chính sự ô nhiễm này là một trong nhiều tác nhân làm cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tôm chết hàng loạt khiến người nuôi tôm nhiều nơi phải “trắng tay”. Để giải “bài toán” đó, từ tháng 3/2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu trong ao nước lợ ở các xã Triệu An, Triệu Độ, Triệu Phước (huyện Triệu Phong)…

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết, năm 2013, từ nguồn kinh phí hỗ trợ trên 233 triệu đồng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi tôm sú - rong câu luân canh.

Mục tiêu của mô hình là để góp phần cải tạo môi trường sinh thái ở những diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc xây dựng mô hình sẽ góp phần tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi tôm sú.

Ông Nguyễn Hữu Ba ở thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, Triệu Phong) đang vớt rong câu trồng trong hồ lắng của mô hình nuôi tôm sú - rong câu luân canh mà gia đình ông tham gia

Quy trình của mô hình nuôi sú - rong câu luân phiên mỗi đợt được thực hiện trên diện tích 2 ha với mật độ thả tôm sú giống là 15 con/m2; thời gian nuôi tôm sú từ khi thả giống đến khi thu hoạch kéo dài 5 tháng; cỡ tôm đạt yêu cầu khi thu hoạch là 25 con/kg và năng suất mang lại 1,5 tấn/ha.

Đối với rong câu, có lượng rong câu giống 5.000 kg/ha; thời gian trồng khoảng 5 - 6 tháng với năng suất 2 tấn khô/ha. Nói luân canh là bởi thời gian nuôi tôm sú thường kéo dài từ tháng 5 - tháng 9 hàng năm. Khi thu hoạch tôm sú xong cũng là lúc xuống giống trồng rong câu với thời gian trồng từ tháng 10 năm này kéo dài sang tháng 4 năm sau.

Lợi ích mà người nuôi tôm sú - rong câu luân canh thu được đó là việc khi thu hoạch xong tôm, thường dưới đáy hồ sẽ tồn lắng tạp chất hữu cơ hình thành từ chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ kèm theo mầm bệnh. Bởi vậy, khi thu hoạch tôm sú xong là bắt đầu trồng rong câu và chính rong câu sẽ sử dụng những tạp chất hữu cơ có chứa mầm bệnh trong đáy hồ, ao nuôi tôm sú làm thức ăn. Trong 5 – 6 tháng trồng, rong câu sẽ xử lý dứt điểm tạp chất hữu cơ tồn lắng dưới đáy hồ.

Một lợi ích nữa của mô hình là khi thu hoạch rong câu để cải tạo hồ nuôi tôm thì người nuôi giữ lại một ít rong câu để trồng ở hồ lắng (hồ chứa nước trước khi bơm vào hồ nuôi tôm). Trong quá trình nuôi tôm, nước hút từ sông, rạch vào hồ lắng trồng rong câu khoảng 4- 5 ngày, được xử lý kỹ càng mới cho vào ao hồ nuôi tôm thì dịch bệnh do không có vật chủ (tức là tôm) sẽ bị hủy diệt và đó cũng là cách phòng dịch bệnh cho tôm hiệu quả.

Ngoài tác dụng xử lý môi trường ao hồ nuôi tôm sú, thì chính rong câu cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi tôm. Trước mắt, những hộ tham gia mô hình sẽ được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ 100 % tiền mua tôm sú giống và 40 % tiền mua thức ăn trong quá trình nuôi.

Tôi đã có dịp về thăm mô hình nuôi tôm sú - rong câu luân canh của hộ ông Nguyễn Hữu Ba ở thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, Triệu Phong).

Dẫn tôi đi một vòng quanh diện tích ao hồ rộng gần 4 ha, dừng lại bên hồ lắng trồng rong câu, ông Ba cho biết, năm 2011 sau một thời gian làm nghề xây dựng, ông về thôn Gia Độ đấu thầu 4 ha mặt nước ao hồ để nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên, ông nuôi tôm theo phương thức quảng canh với việc thả nuôi 10 vạn tôm giống trên diện tích 2 ha. Vụ tôm đó, ông lãi 80 triệu đồng.

Năm 2012, thấy nhiều hộ nuôi tôm lao đao vì dịch bệnh, ông không nuôi tôm nữa mà chuyển sang nuôi cua. Cuối năm 2013, khi các cán bộ Trung tâm KN-KN tỉnh tìm đến đặt vấn đề với ông để thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú - rong câu luân canh, thấy được lợi ích của mô hình, ông đã mạnh dạn nhận lời làm mô hình thử nghiệm.

Ông Nguyễn Hữu Ba cho biết: “Mô hình nuôi tôm sú – rong câu luân canh đơn giản và không khó khi áp dụng vào thực tế. Như trên diện tích 4 ha mặt nước ao hồ của gia đình tôi, khoảng giữa tháng 1/2014 tôi về xã Triệu Phước mua 5 tấn rong câu chỉ vàng hết 7,5 triệu đồng. Số rong câu chỉ vàng đó, tôi đem trồng hết trên diện tích 4 ha ao hồ. Khoảng 1 tháng sau, tôi bắt đầu thu hoạch dần số rong câu già và bán được 3,5 triệu đồng.

Cứ thu hoạch dần như vậy cho đến đầu tháng 4/2014 thì bắt đầu thu gom toàn bộ rong câu để bán, chỉ dành lại một ít để trồng ở hồ lắng rộng khoảng 0,5 ha. Trên diện tích 1,5 ha, tôi tiến hành xử lý ao hồ và thả nuôi tôm giống.

Nguồn nước nuôi tôm hút từ sông vào hồ lắng trồng rong câu chỉ vàng trong thời gian 4 – 5 ngày mới bơm vào hồ nuôi. Làm như vậy là để trong thời gian 3 - 4 ngày xử lý triệt để nguồn nước bị ô nhiễm do các hồ nuôi tôm sú khác xả thải ra sông. Để đối chứng mô hình với cách nuôi tôm thông thường, 2 ha mặt nước ao hồ còn lại, tôi nuôi tôm theo phương thức quảng canh và hút nước trực tiếp từ sông không qua hồ lắng.

Qua theo dõi, tôi thấy tôm nuôi ở diện tích 1,5 ha ao hồ thử nghiệm mô hình lớn nhanh, đồng đều, ít dịch bệnh và nước trong ao hồ sạch hơn. Bây giờ chưa thu hoạch nhưng mấy hôm trước tôi vớt tôm để cân thử thì thấy khoảng 30 – 40 con/kg. Còn 2 ha nuôi tôm theo phương thức quảng canh, tôm lớn không đồng đều…”.

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, hiện tại, mô hình nuôi tôm sú - rong câu luân canh đang trong thời gian thử nghiệm nên hiệu quả kinh tế của mô hình trong thực tế chưa phải là cao, nhưng về lâu dài thì mô hình này chính là hướng đi, là phương pháp nuôi khoa học để người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh lựa chọn.

Nói là người nuôi tôm sú lựa chọn cũng bởi ngoài hiệu quả kinh tế “kép” thu được từ tôm sú, rong câu thì chính mô hình là giải pháp hữu hiệu trong cải tạo môi trường sinh thái vùng nuôi tôm sú. Một khi môi trường sinh thái vùng nuôi tôm sú được đảm bảo thì người nuôi tôm sú cũng yên tâm hơn về vấn đề dịch bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan Làm giàu từ cây bưởi diễn và đu đủ Thái Lan

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng đối với cán bộ, hội viên nông dân trong xã Hào Lý huyện Đà Bắc- Hòa Bình.

29/12/2015
Trồng dưa hấu cho thu nhập khá Trồng dưa hấu cho thu nhập khá

Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.

29/12/2015
Thoát nghèo nhờ nấm rơm Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trồng nấm rơm ở quy mô hộ gia đình rất hiệu quả.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp

Để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Xuân và chị Dư Thị Hương xóm Bãi, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhờ trồng trọt kết hợp với nuôi lợn, nuôi gà mỗi năm cho thu nhập 70 – 80 triệu đồng.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu

Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.

30/12/2015