Tha Thiết Với Nấm Đà Lạt

Một cơ sở sản xuất phôi nấm công suất lớn, đầu tư quy mô, bài bản, mỗi tháng cung cấp hàng trăm ngàn phôi nấm tai mèo cho nông dân. Đó là cơ sở nấm của hai ông chủ rất trẻ đặt tại thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Không chỉ với nấm tai mèo, cơ sở còn đang chinh phục thêm nấm linh chi Đà Lạt với mục tiêu đưa linh chi Đà Lạt vào sản xuất rộng rãi.
Làm giàu với nấm mèo
Trần Văn Thắng, người chuyên phụ trách sản xuất của cơ sở nấm rất tự hào với công việc của mình. Còn rất trẻ, sinh năm 1988 và đã gắn bó với sản xuất nấm được 3 năm, anh cho biết, nấm là niềm đam mê của mình.
Cơ sở nấm của hai bạn là một mô hình khép kín, đang sản xuất phôi nấm tai mèo cung cấp cho nông dân vùng nấm Đức Trọng. Từ những tai nấm tai mèo tươi chất lượng tốt nhất, trong phòng thí nghiệm thịt nấm trải qua các công đoạn nhân ra qua môi trường thạch, môi trường lúa, môi trường cọng và thành meo gốc cấy vào các bịch phôi.
Cơ sở làm phôi bằng mùn cây cao su, một trong những loại mùn tốt nhất, phù hợp với tất cả các loại nấm trồng. Phôi cũng được trải qua những công đoạn hấp trong lò, cấy meo đúng kỹ thuật. Sau 22 ngày sản xuất, một bịch phôi được hoàn thành, xuất xưởng tới với nông dân.
Thắng cho hay, sản xuất phôi nấm mèo là một trong những kỹ thuật khó nhất trong các loại nấm. Nguyên nhân là vì nấm mèo chịu ảnh hưởng rất mạnh từ độ ẩm trong không khí, người sản xuất phải chú ý thay đổi uyển chuyển công thức kỹ thuật để meo nấm phát triển tốt.
Phôi nấm của cơ sở hiện bán cho nông dân với giá 3.300 đồng/bịch, cao hơn phôi bà con thường mua của vùng Đồng Nai là 300 đồng/bịch nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Nguyên nhân bởi vì phôi nấm của cơ sở chất lượng tốt, tỷ lệ ra tai cao, tai đẹp, lớn với năng suất trung bình 50gam/bịch.
Anh Thắng cũng tâm sự, lợi nhuận sản xuất phôi nấm tai mèo là 22%, với số lượng 100 thiên (100 ngàn) bịch phôi cung cấp cho thị trường mỗi tháng, thu nhập của hai bạn là khá cao, xứng đáng với việc hai bạn huy động gần 1,5 tỷ đồng đổ vào xây dựng cơ sở sản xuất bao gồm thuê nhà xưởng, lò hấp, phòng thí nghiệm... Và theo đó là 13 người lao động được trả mức lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.
Tha thiết với nấm Đà Lạt
Cơ sở sản xuất nấm mèo đã đi vào ổn định, mang lại thu nhập đều đặn, hai người bạn tiếp tục “tấn công” vào loại nấm cao cấp, linh chi Đà Lạt. Lúc này là thể hiện vai trò của ông chủ thứ hai, Nguyễn Hồng Quyền, người rất tha thiết muốn chinh phục nấm linh chi Đà Lạt.
Chàng trai sinh năm 1985 người Hà Nội vốn là du học sinh Đức. Chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi với Đà Lạt, Quyền đã nảy sinh tình yêu và ở lại gắn bó với nghề nấm phố núi. Quyền bảo: “Cây nấm kỳ lạ lắm, sống ở đâu, nó sẽ hấp thụ không gian xung quanh và từ đó chất lượng nấm thay đổi.
Đà Lạt phải nói là một vùng đất đặc biệt với nấm, loại nấm nào trồng ở xứ này chất lượng cũng cao hơn những vùng đất khác”. Và hai người bạn lựa chọn cây nấm linh chi Đà Lạt để sản xuất thử nghiệm. Linh chi Đà Lạt có chất lượng cao, hàm lượng dược chất không thua linh chi Hàn Quốc với tai nấm nhỏ, dày và vị đắng đậm đà. Sau nhiều thử thách, những cây nấm linh chi thành phẩm đã ra đời tại phố núi và đã tìm được những thị trường đầu tiên.
Hiện tại, cơ sở đang cung cấp phôi nấm linh chi Đà Lạt với giá 5.000 đồng/bịch, được thị trường chấp nhận và cho kết quả tốt. Và hai bạn mở một nhà nấm lớn trên đường Đặng Thái Thân, chuẩn bị đưa vào sản xuất thương phẩm loại nấm giá trị cao này.
Không chỉ gắn bó, làm giàu với nấm để thỏa mãn sở thích cá nhân, hai người bạn còn thiết tha và trăn trở với tương lai ngành nấm. Quyền chia sẻ, Việt Nam dư sức sản xuất bất kỳ loại nấm nào cung cấp cho thị trường nhưng hiện tại, thị trường nấm Việt lại hoàn toàn bị nấm nước ngoài tràn ngập.
Vả lại, so sánh trên cùng một diện tích đất, không có trồng cây gì mang lại lợi nhuận cao như trồng nấm. Bởi vậy, hai bạn mong muốn liên lạc được với những người làm nấm khác, cùng sự hỗ trợ của chính quyền xây dựng được hiệp hội những nhà sản xuất nấm Việt Nam để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiện tại, hai người bạn đang dốc sức với nghề nấm bằng việc cung cấp những bịch phôi chất lượng tốt, sản xuất ra những cây nấm chất lượng cao và nhất là, sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống.
Thắng bảo, bọn em không giấu nghề, ai có nhu cầu học tới đây bọn em sẵn sàng chỉ bảo tỉ mỉ để ai cũng có thể sản xuất được những phôi nấm chất lượng tốt nhất. Hiện cơ sở của hai bạn luôn chào đón các bạn sinh viên tới thực tập, tìm hiểu về quy trình sản xuất nấm. Sinh viên các trường Đại học Cửu Long, Đại học thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tới thực tập, trực tiếp tham gia mọi quy trình sản xuất nấm để nắm được mọi bí quyết nghề nghiệp.
Làm giàu cho bản thân và thỏa ước mơ gắn bó với nấm, hai người bạn trẻ đang bước đi những bước vững vàng trên con đường chinh phục cây nấm Đà Lạt.
Có thể bạn quan tâm

Phát triển thủy sản đang trở thành ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với quá trình phát triển quy mô, hình thức quản lý cũng là vấn đề đáng quan tâm, trong đó mô hình HTX chuyên canh thủy sản đã manh nha, phát triển, đang có cơ hội mở rộng. Mô hình này phù hợp với xu thế sản xuất quy mô lớn, an toàn, bền vững.

Qua 3 năm nghêu chết hàng loạt trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu vùng biển Gò Công (Tiền Giang), đến nay việc lựa chọn mùa vụ nuôi nghêu được xem là giải pháp tối ưu nhất để tránh thiệt hại trong điều kiện tác nhân chính gây chết nghêu vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhu cầu nghêu giống cỡ lớn để đáp ứng mùa vụ thả nuôi lại là vấn đề chưa có lời giải cho vùng nuôi nghêu tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận.

Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Cậy - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tủa Chùa - chúng tôi cảm nhận được một luồng gió mới đầy hứng khởi đang thổi vào miền đất gian khó bản Sín Sủ 2, xã Xá Nhè.

Giá cà phê trong nước lao dốc do giá cà phê thế giới trên cả 2 sàn giao dịch chính đồng loạt giảm sâu. Trên sàn Liffe tại London, giá cà phê robusta giao tháng 5 giảm 81 USD, tương đương giảm xuống hơn 1.900 USD/tấn. Giá giao tháng 7 giảm 71 USD, tương đương giảm 3,53% xuống 2.011 USD/tấn.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ giữa tháng 3-2013, giá cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố ở mức 19.500-21.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 4, giá cá nhích lên 500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất dao động từ 23.000-23.500 đồng/kg. Ở thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ thì giá cá tra giống lại giảm 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Hiện giá cá tra giống loại 2 cm (khoảng 30 con/kg) ở mức 22.000 đồng/kg.