Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tha Thiết Với Nấm Đà Lạt

Tha Thiết Với Nấm Đà Lạt
Ngày đăng: 14/03/2014

Một cơ sở sản xuất phôi nấm công suất lớn, đầu tư quy mô, bài bản, mỗi tháng cung cấp hàng trăm ngàn phôi nấm tai mèo cho nông dân. Đó là cơ sở nấm của hai ông chủ rất trẻ đặt tại thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Không chỉ với nấm tai mèo, cơ sở còn đang chinh phục thêm nấm linh chi Đà Lạt với mục tiêu đưa linh chi Đà Lạt vào sản xuất rộng rãi.

Làm giàu với nấm mèo

Trần Văn Thắng, người chuyên phụ trách sản xuất của cơ sở nấm rất tự hào với công việc của mình. Còn rất trẻ, sinh năm 1988 và đã gắn bó với sản xuất nấm được 3 năm, anh cho biết, nấm là niềm đam mê của mình.

Cơ sở nấm của hai bạn là một mô hình khép kín, đang sản xuất phôi nấm tai mèo cung cấp cho nông dân vùng nấm Đức Trọng. Từ những tai nấm tai mèo tươi chất lượng tốt nhất, trong phòng thí nghiệm thịt nấm trải qua các công đoạn nhân ra qua môi trường thạch, môi trường lúa, môi trường cọng và thành meo gốc cấy vào các bịch phôi.

Cơ sở làm phôi bằng mùn cây cao su, một trong những loại mùn tốt nhất, phù hợp với tất cả các loại nấm trồng. Phôi cũng được trải qua những công đoạn hấp trong lò, cấy meo đúng kỹ thuật. Sau 22 ngày sản xuất, một bịch phôi được hoàn thành, xuất xưởng tới với nông dân.

Thắng cho hay, sản xuất phôi nấm mèo là một trong những kỹ thuật khó nhất trong các loại nấm. Nguyên nhân là vì nấm mèo chịu ảnh hưởng rất mạnh từ độ ẩm trong không khí, người sản xuất phải chú ý thay đổi uyển chuyển công thức kỹ thuật để meo nấm phát triển tốt.

Phôi nấm của cơ sở hiện bán cho nông dân với giá 3.300 đồng/bịch, cao hơn phôi bà con thường mua của vùng Đồng Nai là 300 đồng/bịch nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Nguyên nhân bởi vì phôi nấm của cơ sở chất lượng tốt, tỷ lệ ra tai cao, tai đẹp, lớn với năng suất trung bình 50gam/bịch.

Anh Thắng cũng tâm sự, lợi nhuận sản xuất phôi nấm tai mèo là 22%, với số lượng 100 thiên (100 ngàn) bịch phôi cung cấp cho thị trường mỗi tháng, thu nhập của hai bạn là khá cao, xứng đáng với việc hai bạn huy động gần 1,5 tỷ đồng đổ vào xây dựng cơ sở sản xuất bao gồm thuê nhà xưởng, lò hấp, phòng thí nghiệm... Và theo đó là 13 người lao động được trả mức lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.

Tha thiết với nấm Đà Lạt

Cơ sở sản xuất nấm mèo đã đi vào ổn định, mang lại thu nhập đều đặn, hai người bạn tiếp tục “tấn công” vào loại nấm cao cấp, linh chi Đà Lạt. Lúc này là thể hiện vai trò của ông chủ thứ hai, Nguyễn Hồng Quyền, người rất tha thiết muốn chinh phục nấm linh chi Đà Lạt.

Chàng trai sinh năm 1985 người Hà Nội vốn là du học sinh Đức. Chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi với Đà Lạt, Quyền đã nảy sinh tình yêu và ở lại gắn bó với nghề nấm phố núi. Quyền bảo: “Cây nấm kỳ lạ lắm, sống ở đâu, nó sẽ hấp thụ không gian xung quanh và từ đó chất lượng nấm thay đổi.

Đà Lạt phải nói là một vùng đất đặc biệt với nấm, loại nấm nào trồng ở xứ này chất lượng cũng cao hơn những vùng đất khác”. Và hai người bạn lựa chọn cây nấm linh chi Đà Lạt để sản xuất thử nghiệm. Linh chi Đà Lạt có chất lượng cao, hàm lượng dược chất không thua linh chi Hàn Quốc với tai nấm nhỏ, dày và vị đắng đậm đà. Sau nhiều thử thách, những cây nấm linh chi thành phẩm đã ra đời tại phố núi và đã tìm được những thị trường đầu tiên.

Hiện tại, cơ sở đang cung cấp phôi nấm linh chi Đà Lạt với giá 5.000 đồng/bịch, được thị trường chấp nhận và cho kết quả tốt. Và hai bạn mở một nhà nấm lớn trên đường Đặng Thái Thân, chuẩn bị đưa vào sản xuất thương phẩm loại nấm giá trị cao này.

Không chỉ gắn bó, làm giàu với nấm để thỏa mãn sở thích cá nhân, hai người bạn còn thiết tha và trăn trở với tương lai ngành nấm. Quyền chia sẻ, Việt Nam dư sức sản xuất bất kỳ loại nấm nào cung cấp cho thị trường nhưng hiện tại, thị trường nấm Việt lại hoàn toàn bị nấm nước ngoài tràn ngập.

Vả lại, so sánh trên cùng một diện tích đất, không có trồng cây gì mang lại lợi nhuận cao như trồng nấm. Bởi vậy, hai bạn mong muốn liên lạc được với những người làm nấm khác, cùng sự hỗ trợ của chính quyền xây dựng được hiệp hội những nhà sản xuất nấm Việt Nam để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiện tại, hai người bạn đang dốc sức với nghề nấm bằng việc cung cấp những bịch phôi chất lượng tốt, sản xuất ra những cây nấm chất lượng cao và nhất là, sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống.

Thắng bảo, bọn em không giấu nghề, ai có nhu cầu học tới đây bọn em sẵn sàng chỉ bảo tỉ mỉ để ai cũng có thể sản xuất được những phôi nấm chất lượng tốt nhất. Hiện cơ sở của hai bạn luôn chào đón các bạn sinh viên tới thực tập, tìm hiểu về quy trình sản xuất nấm. Sinh viên các trường Đại học Cửu Long, Đại học thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tới thực tập, trực tiếp tham gia mọi quy trình sản xuất nấm để nắm được mọi bí quyết nghề nghiệp.

Làm giàu cho bản thân và thỏa ước mơ gắn bó với nấm, hai người bạn trẻ đang bước đi những bước vững vàng trên con đường chinh phục cây nấm Đà Lạt.


Có thể bạn quan tâm

Trang Trại “Vàng” Vùng Chiêm Trũng Trang Trại “Vàng” Vùng Chiêm Trũng

Sau hơn 20 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện đã biến khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại thủy sản trù phú nhất, nhì tỉnh Hải Dương. Đó là "trang trại thủy sản vàng Dung Quất".

13/09/2013
Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu) Nông Dân Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Bống Tượng Ở Hồng Dân (Bạc Liêu)

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.

25/03/2013
Ngư Dân Bình Thuận Trúng Đậm Vụ Cá Nam Ngư Dân Bình Thuận Trúng Đậm Vụ Cá Nam

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, mấy ngày gần đây cá cơm, cá nục xuất hiện dày đặc trên ngư trường của tỉnh. Hiện có khoảng 4.000 phương tiện tham gia đánh bắt hải sản với khoảng 20.000 ngư dân đang tập trung khai thác vụ cá Nam.

17/09/2013
Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Nuôi Cá Chẽm Ở Lộc Hà (Hà Tĩnh)

Tận dụng ưu thế của địa phương có luồng lạch, cửa biển, nhiều hộ gia đình ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá Chẽm bằng lồng. Kết quả kinh tế từ loại hình nuôi trồng thủy sản này cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, nuôi cá Chẽm bằng lồng sẽ mở hướng thoát nghèo cho bà con nông dân vùng biển cửa.

26/03/2013
Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Được Khống Chế Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Được Khống Chế

Đó là khẳng định của ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày, 17/9.

19/09/2013