Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thả Cá Trên Ao Trời

Thả Cá Trên Ao Trời
Ngày đăng: 12/08/2013

Giữa khu rừng của bản Có, xã Chiềng Xôm (Thành phố Sơn La) có một thung lũng cứ đến mùa mưa, nước lại tích tụ thành ao - bà con gọi là Bôm Lầu hay “ao trời”, thả cá ở đây chỉ sau 2 đến 3 tháng là được thu hoạch.

Từ thung lũng thành ao

Sự hình thành của ao khá đặc biệt. Ông Lò Văn Ùi, 75 tuổi, một trong những người đầu tiên khai phá, cải tạo thung lũng kể: Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bản không có ao do thiếu nước. Nhiều năm làm nương tại thung lũng Bôm Lầu, ông thấy cứ đến mùa mưa là có nhiều nước chảy vào các khe đá - vùng rốn ao. Ông nghĩ nếu giữ được nước thì nơi đây sẽ thành ao thả cá. Năm 1972, ông dùng mìn đánh sập khe đá thấy lộ ra một cái hang rộng khoảng 2 m.

Là trưởng bản, ông huy động xã viên chặt cây, chặt tre, đan phên, đào đất lấp miệng hang. Khi nước tích tụ thành ao, bản họp xã viên, thống nhất mỗi hộ góp 2 kg cá chép thả xuống ao. Sau hơn 3 tháng, đến mùa nước cạn thu hoạch hàng tấn cá. Năm 1973, vận động xã viên góp tiền mua 5 tạ xi măng, góp công lấy 2 khối cát xây bịt miệng hang. Năm đó thả 4 kg cá/hộ, sau thu hoạch trên 1,5 tấn cá.

Từ năm 1977 đến năm 1983, hợp nhất thành HTX Tông Panh (gồm các bản: Có, Mòn, Thé, Dửn, Tông, Panh, Hụm, Phiêng Ngùa), hằng năm vẫn tiến hành thả cá, thu khoảng 3 đến 4 tấn cá/năm. Cũng theo ông Ùi, những năm đầu thập niên 80, sau khi ao có nước khoảng một tháng thì xuất hiện những con hến nhỏ, là loại hến người dân hay mang về làm mắm (gọi là mẳm hén).

Ngày hội thả cá

Đầu tháng 8 năm nay, chúng tôi có dịp chứng kiến bà con bản Có thả cá. Từ sáng sớm, bà con đã người thì tháo ao, người dùng vó bắt cá giống, người đã chuẩn bị cá giống từ mấy ngày trước chờ đến ngày đi thả. Vừa dùng vó bắt cá, anh Tòng Văn Chiến vừa thông tin: Năm nay, mỗi nhân khẩu góp 1 kg cá mè và 1 kg cá chép. Nhà tôi có 3 nhân khẩu, hôm trước mua 3,5kg cá mè thả sẵn vào ao nhà, phải mua dư để bù cá chết trong khi vận chuyển.

Cá giống được cho vào vào túi ni lông to rồi cho vào bao hoặc sọt, có người cho vào thùng xốp vận chuyển bằng xe máy. Trước đây, bà con thường phải gánh, đường dốc và xa mất hàng giờ, nhưng bây giờ có đường xe máy nên chỉ đi khoảng 15 phút là đến.

Những chiếc xe máy chở cá vượt con dốc trước bản cứ như đi lên “trời”. Hai bên đường là những nương ngô sắp thu hoạch. Đi xe trên đoạn đường này, chúng tôi phải cài số 1... Trên mặt ao, có nhiều bè của các hộ gia đình để vớt hến xếp gọn gàng tựa bến đò. Không khí cứ như ngày hội, người thì gánh, người thì vác bao cá giống đến chỗ cân. Trên bờ, bản đã bố trí hai người cân và một người ghi sổ, cân xong, cá được cho lên bè chở ra giữa ao để thả.

Là người phụ trách, giám sát chung, Trưởng bản Quàng Văn Linh cho chúng tôi biết: Nước dâng ở mức cao nhất, mặt ao rộng hơn 2 ha. Bản có 54 hộ, 241 nhân khẩu, năm nay, ngoài góp 2 kg cá/nhân khẩu (1kg cá mè và 1kg cá chép), mỗi hộ còn góp 50 nghìn đồng để mua cá tạp về thả. Tuần trước, bà con vớt hến, mỗi gia đình vớt hơn 10 kg. Như vậy, ao đã cho bà con cả trăm triệu đồng đấy!

Cá thả ở đây không phải cắt cỏ hay cho thêm thức ăn gì, nuôi hoàn toàn tự nhiên nhưng cá lớn rất nhanh. Cũng thật hay khi bà con bản Có biết tận dụng ưu đãi thiên nhiên ban tặng để tăng thêm nguồn thu nhập và làm phong phú thêm đời sống giữa vùng rừng núi bao la. Quàng Hưởng


Có thể bạn quan tâm

Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn Phá Cây Ăn Quả Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn Phá Cây Ăn Quả

Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được

07/05/2011
Bí Ngô Khổng Lồ Nặng 80kg Bí Ngô Khổng Lồ Nặng 80kg

Sau 3 tháng chăm sóc, những cây bí này bắt đầu ra hoa, kết trái. Theo sự chỉ dẫn của những người bạn ở bên Mỹ, ông Phan hái bỏ những quả nhỏ, yếu, chỉ để lại những quả to, khỏe để cây tập trung nuôi dưỡng. Đến nay, vườn bí ngô của gia đình người đàn ông này có 24 quả chín, có màu vàng bóng, vỏ mỏng

04/09/2011
Mô Hình Nuôi Cua Đồng Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Đồng Hiệu Quả

Theo nhiều đánh giá, mô hình nuôi cua đồng cho lợi nhuận cao, một phần do cua nhanh cho thu hoạch, dễ tiêu thụ, dễ chăm sóc, một phần là do trên cùng một diện tích đó, người dân có thể thu được 3 - 4 sản phẩm có giá trị kinh tế khác như lúa, chạch, cá...

18/09/2011
Cây Bần Chua Giảm Thiên Tai, Giúp Dân Tăng Thu Nhập Cây Bần Chua Giảm Thiên Tai, Giúp Dân Tăng Thu Nhập

Cây bần chua được trồng trên tuyến đê của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ trở thành một “vành đai xanh” chắn sóng mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân.

02/03/2012
Loay Hoay Phát Triển Rau An Toàn Loay Hoay Phát Triển Rau An Toàn

Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quốc gia (TTKNKNQG) phối hợp Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với Chuyên đề “Liên kết trong SX và tiêu thụ RAT theo hướng VietGAP”. Các đại biểu đã mổ xẻ, phân tích thì thấy rằng mô hình RAT vẫn loay hoay chưa tìm được bước đi đột phá.Các địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển RAT

05/03/2012