Tất bật xuống giống lúa Đông xuân

Đang dọn 7 công đất chuẩn bị sạ, ông Nguyễn Văn Thanh, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết:
“Khi thấy nước trên ruộng đã rút nên 2 ngày nay, bà con nơi đây đã thuê máy bơm nước ra ngoài và đang tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa Đông xuân theo lịch thời vụ né rầy của ngành nông nghiệp địa phương;
Đồng thời, có thể chủ động sớm về nguồn nước ngọt trong sản xuất, bởi, nghe thông tin dự báo về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất mà thấy lo trong bụng”.
Ngoài bà con ở ấp 11, xã Vị Trung, hiện còn có nhiều nông dân ở những nơi có điều kiện như: cánh đồng lớn, trạm bơm tập trung, khu có hệ thống đê bao kiên cố cũng đang khẩn trương thực hiện những công việc cần thiết như: dọn lúa chét, cỏ dại, trục đất,...
để tranh thủ gieo sạ lúa Đông xuân theo khuyến cáo trước đó của ngành chức năng.
Ông Hà Thanh Triều, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A), thông tin: “Khoảng 1 tuần trước, các thành viên trong HTX đã bắt đầu “sửa sang” ruộng đất của mình để chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa chính trong năm.
Đến thời điểm này, 100ha lúa của HTX đã cơ bản gieo sạ xong”.
Theo bà con đang xuống giống, năm nay do mực nước lũ thấp đã kéo theo chi phí bơm tát đầu vụ cũng thấp.
Nếu như năm trước, giá bơm nước ở mức từ 80.000-100.000 đồng/công (1.000m2), thì nay chỉ còn từ 40.000-60.000 đồng/công.
Bên cạnh đó, xác định vụ lúa Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, vì vậy, công việc làm đất, trục, san phẳng mặt ruộng, thu dọn cỏ, gốc rạ của vụ trước để lại nhằm cắt đứt mầm bệnh và ngộ độc hữu cơ cũng được bà con làm kỹ lưỡng hơn.
Đặc biệt, tình hình nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ trong vụ này cũng nhiều hơn.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng qua ghi nhận thực tế của chúng tôi tại những cánh đồng lúa đang vào giai đoạn xuống giống, hiện tỷ lệ nông dân sạ các giống cấp xác nhận đạt khoảng 90%, với một số loại giống phổ biến như: OM 5451, IR 50404, OM 4218, jasmine 85,…
Ông Nguyễn Văn Thâu, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, thừa nhận: “Do ý thức được lúa giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng hạt lúa sau này, nên bà con nơi đây đa phần sử dụng giống xác nhận để gieo sạ nhằm đảm bảo chất lượng, giá bán và đầu ra khi thu hoạch”.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 80.000ha, đến thời điểm này, bà con đã gieo sạ được hơn 2.700ha; trong đó, diện tích lúa Đông xuân liếp ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy khoảng 1.500ha, lúa Đông xuân chính vụ ở huyện Châu Thành A hơn 418ha, Vị Thủy hơn 570ha và thành phố Vị Thanh hơn 4ha.
Dự báo trong vài ngày tới, diện tích xuống giống sẽ tăng lên đáng kể, nhất là ở huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh; vì bà con ở những nơi này đang bước vào cao điểm xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để vụ lúa Đông xuân năm nay đạt thắng lợi, hiện Chi cục đang đề nghị cán bộ nông nghiệp các địa phương tổ chức triển khai tập huấn đầu vụ cho bà con, đồng thời, khuyến cáo nông dân chuẩn bị giống, vệ sinh đồng ruộng, loại trừ cỏ dại, làm đất, tu sửa bờ bao và gieo sạ né rầy theo lịch thời vụ của từng địa phương.
Đối với những diện tích đã gieo sạ, nông dân cần kiểm soát mật số ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá gây hại...
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước mới chỉ tận dụng được hơn 10% diện tích ruộng trũng có thể kết hợp nuôi thủy sản theo hình thức cá - lúa kết hợp. Trước tiềm năng lớn để nuôi thủy sản đang bỏ ngỏ, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt dự án phát triển mô hình cá - lúa trên cả nước do Trung tâm KNQG thực hiện từ năm 2012 - 2014, bước đầu khẳng định hiệu quả.

Không khí đón Xuân Quý Tỵ 2013 của làng biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) không còn nhộn nhịp như mọi năm. Vì năm nay, biển mất mùa tôm hùm giống, ngư dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch năm 2013, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) sẽ tăng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 1.000ha, ước sản lượng đạt 1.700 tấn và sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho người nuôi.

Thời gian qua, bà con nông dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, người dân ở xã Phước Hưng đã khai thác có hiệu quả hơn quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Hậu Giang), cho biết huyện đã chỉ đạo ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng khoai mì để bán lá. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra, nhiều nhất là xã Đông Phước A.