Tất Bật Với Mùa Cá Mới

Thời điểm này, người nuôi thuỷ sản trong tỉnh Bắc Giang đang tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho mùa cá mới. Năm nay, thay vì mở rộng diện tích, người dân chú trọng đến năng suất, chất lượng hơn bằng cách nuôi thâm canh, chọn các loại cá được thị trường ưa chuộng.
Những ngày này về vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên), các hộ dân đều rất bận rộn với mùa cá mới. Anh Hoàng Văn Đông, một nông dân trong thôn cho biết: “Vụ vừa qua, với 1,2 mẫu ao, gia đình tôi thu hoạch 4 tấn cá, trị giá hơn 130 triệu đồng, cao hơn so với mấy vụ gần đây. Vụ này, để cá lớn nhanh, năng suất cao, hơn một tuần qua, cùng với việc vệ sinh sạch sẽ ao nuôi trước khi thả, vợ chồng tôi chọn mua cá giống ở những cơ sở có uy tín. Trong đó, cơ cấu giống chủ đạo là cá rô phi đơn tính, giảm loại cá truyền thống”. Không chỉ ở thôn Tĩnh Lộc, người dân ở một số huyện miền núi như: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế cũng đang bắt đầu mua cá giống về thả cho kịp thời vụ. Mới gần 7 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Thuận, thôn Minh Sơn, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) cùng vài chục hộ dân khác đã có mặt tại Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I, xã Phi Mô (Lạng Giang) để mua cá giống. Anh Thuận nói: “Từ nuôi cá, mỗi năm tôi thu nhập 50 - 60 triệu đồng, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống. Thế nên năm nay tuy giá cá giống cao hơn năm trước nhưng xác định giống tốt vẫn là yếu tố quyết định đến năng suất nên tôi vẫn mua 6 nghìn con cá rô phi đơn tính và 50 kg cá trắm, trôi về thả ghép”.
Được biết, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại nhưng do thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét cho đàn cá bố mẹ nên thời điểm này, Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I đã sản xuất và cung cấp cho thị trường 20 tấn cá trắm, trôi, mè, chép; 45 vạn cá rô phi đơn tính, tăng 35 vạn con so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm nhu cầu nuôi thả của người dân. Hiện nay, cá chim trắng bố mẹ tại Trung tâm chưa sinh sản nên đơn vị đã liên kết với một số cơ sở phía Nam để nhập khoảng 10 vạn con trong tuần tới cung ứng cho các hộ dân. Ông Thân Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm đang tập trung chăm sóc đàn cá chim trắng, lăng chấm bố mẹ để sinh sản vào tháng Năm khi thời tiết ấm áp. Năm 2012, đơn vị sẽ sản xuất 15 nghìn con cá lăng chấm, tăng 10 nghìn con so với năm trước bởi đây là giống cá chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng”. Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất và cung ứng cho thị trường được 120 triệu con cá bột các loại. Toàn tỉnh hiện có 12 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Để bảo đảm nguồn cá giống cho các hộ dân nuôi thả trong vụ xuân, những đơn vị sản xuất cá giống đang tiếp tục áp dụng các điều kiện chăm sóc tốt nhất cho đàn cá bố mẹ sinh sản khoảng 410 triệu con.
Theo ông Dương Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì mấy năm gần đây, do được cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao kỹ thuật nên nhiều hộ trên địa bàn mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh cao. Năm nay, nguồn nước trong các ao hồ để nuôi cá khá thuận lợi, lượng cá giống do các cơ sở sản xuất được cung cấp bảo đảm, kịp thời. Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cá, Chi cục đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn “Đề án phát triển trang trại nuôi cá thâm canh cao giai đoạn 2011 - 2015” hỗ trợ 20 chủ trang trại ở các huyện: Tân Yên, Lục Nam và thành phố Bắc Giang nuôi cá thương phẩm trên diện tích khoảng 35 ha. Theo đó, các chủ trang trại có kinh nghiệm nuôi thâm canh theo hướng an toàn sinh học, ao nuôi cá được xây dựng kiên cố được hỗ trợ kinh phí mua cá giống, thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước. Ngoài ra, Chi cục còn thực hiện ba mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP trong đó tập trung quản lý giám sát một số tiêu chí về nguồn giống, thức ăn chăn nuôi không có hoóc môn tăng trưởng và xử lý môi trường nước để tuyên truyền nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Một vùa vải bội thu là niềm vui lớn với người dân các vùng trồng vải ở Lục Ngạn. Ngược lại “180 độ”, người dân vùng Yên Thế đang phải than ngắn, thở dài với những đàn “gà đồi Yên Thê”- thương hiệu mà cả chính quyền và nông dân cố công gây dựng mấy năm qua với nhiều kỳ vọng.

Thời gian gần đây do giá cao su trên thị trường giảm thấp, cùng với một số nguyên nhân khác khiến nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền chuyển sang trồng các loại cây khác.

Xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 21ha. Mặc dù người dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng do trình độ kỹ thuật lạc hậu, nuôi thả quảng canh, manh mún, nên năng suất, sản lượng thủy sản chưa cao (năng suất đạt 1,5 -2 tấn/ha, sản lượng đạt 43,6 tấn/năm).

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hải Giang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã thuần hóa, nuôi dưỡng thành công nhiều loài động vật sống trong tự nhiên và đem lại hiệu quả khá lạc quan. Trong đó, nuôi dúi và nhím được xem là mô hình mang lại lợi nhuận cao.

Thời điểm hiện nay, nông dân Bình Định tại các địa phương như: Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh… đang vào cuối vụ thu hoạch ớt, với giá thu mua đang ở mức khá cao. Tại các chợ đầu mối thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn), giá ớt tươi được các thương lái thu mua từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm chính vụ (từ tháng 4 đến tháng 7).