Tập Trung Phòng Chống Đói Rét Cho Gia Súc

Ngành nông nghiệp các tỉnh đã các cán bộ đi kiểm tra tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét bảo vệ đàn gia súc.
Trong những ngày gần đây, không khí lạnh trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây rét đậm, rét hại. Vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện mưa tuyết. Các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.
Hiện tỉnh Hà Giang có 116.000 con trâu và 99.000 con bò. Trước tình hình rét đậm, rét hại, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đã cử các đoàn công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người dân phòng chống đói rét cho gia súc; Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để triển khai chống rét cho đàn vật nuôi, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc miền núi để gia cố, che chắn chuồng trại.
Cán bộ phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc tại các địa phương và xây dựng phương án khi có rét đậm, rét hại xảy ra. Khi nhiệt độ dưới 12 độ C, yêu cầu người dân không được chăn thả tự do và phải đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, che chắn kín, ấm.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh còn hướng dẫn người chăn nuôi giữ khô nền chuồng, lót nền để sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, chú ý sưởi phải có khoảng để vật nuôi đủ ấm nhưng phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi, cho gia súc ăn thức ăn dự trữ tại chuồng.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng cử các cán bộ đi kiểm tra tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống rét bảo vệ đàn gia súc tại từng hộ dân.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu vụ đến nay tỉnh đã tập trung các đoàn đi kiểm tra cụ thể ở các địa phương, công tác bảo vệ tốt. Đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng để tu sửa chuồng trại, trồng cỏ.
Rút kinh nghiệm từ những đợt rét năm 2011 làm trên 2.600 con gia súc của người dân bị chết vì rét ở các địa phương Nà Hang, Lâm Bình, Uỷ ban nhân dân tỉnhTuyên Quang đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Với đàn gia súc hơn 652.000 con, gia cầm gần 4,9 triệu con, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tích cực xây dựng phương án chống đói, rét cho trâu, bò và những con vật nuôi khác trong mùa đông năm nay.
Tỉnh chỉ đạo đội ngũ cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt phương án phòng chống đói, rét cho trâu, bò, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi, tránh tâm lý chủ quan.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện việc thông báo kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết để người dân biết, chủ động thức ăn, che chắn chuồng trại. Hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô, bảo quản các phụ phẩm làm thức ăn cho trâu bò và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu bò phải có một cây rơm đảm bảo bình quân 5 - 7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét.
Theo ông Đào Duy Quý, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, hiện nay 100% các huyện, thành phố đã xây dựng các phương án phòng chống đói rét cho gia súc; Tổ chức tuyên truyền vận động người chăn nuôi dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, quản lý chăn thả. Tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ giống ngô cho việc gieo ngô dày, trồng mía đáp ứng thức ăn cho trâu bò trong vụ đông.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết rét đậm rét hại vẫn còn kéo dài và diễn biến phức tạp, do vậy các địa phương miền núi phía Bắc cần chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó với giá rét, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.

Đợt rầy này đang nở trên lúa thu đông trong giai đoạn đứng cái, trỗ đòng. Mật số rầy trung bình 1.500 - 3.000 con/m2, có nơi mật số cao 6.000 - 7.000 con/m2, cá biệt một số nơi lên đến hơn 10.000 con/m2.

Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...

Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...

Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.