Tập Trung Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản Ngay Từ Đầu Vụ Ở Bắc Ninh

Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng, vì vậy thời gian qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chuẩn bị các điều kiện về ao nuôi, con giống, thức ăn nhằm phát triển chăn nuôi thủy sản ngay từ đầu vụ, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2013 sản xuất thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2012 làm giảm số lượng đàn cá giống lưu qua đông, đàn cá bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống đẻ muộn hơn khoảng 20-25 ngày so với thời vụ. Giá thức ăn cho các loại thủy sản tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đầu tư thâm canh của nông dân. Dịch bệnh trên đàn thủy sản có nhiều diễn biến phức tạp gây chết rải rác một số đối tượng nuôi nhất là trên đàn cá trắm cỏ, trôi và chép.
Xác định rõ những khó khăn trên, trước khi vào vụ Chi cục Thủy sản tỉnh tích cực chỉ đạo nông dân thực hiện tốt công tác phòng, chống rét, tẩy dọn vệ sinh ao nuôi; Hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống bình tuyển đàn cá bố mẹ, thực hiện các biện pháp chống rét và chuẩn bị điều kiện cho đàn cá bố mẹ đẻ trứng.
Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp & PTNT (Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố và Hội Nghề cá, Hội Làm vườn tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh, phát hiện kịp thời dịch bệnh thủy sản, có biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh xảy ra. Chủ động tham mưu, đề xuất danh mục cá giống được hỗ trợ năm 2013 và chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nông dân đưa các giống cá có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao (rô phi đơn tính, chim trắng…) vào nuôi thả.
Chi cục đã tổ chức kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, phương pháp sản xuất, khả năng cung ứng, công tác vận chuyển, nhãn mác, bao bì, các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, đặc biệt kiểm tra việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh, kích dục tố của các cơ sở sản xuất giống thủy sản qua đó xác định rõ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống thủy sản theo chính sách hỗ trợ cá năm 2013 trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục, ngay từ đầu năm các hộ nuôi trồng thủy sản, nhất là tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh như: Trung Chính, Quảng Phú, Phú Hòa, Trừng Xá (Lương Tài), Bình Dương, Xuân Lai, Nhân Thắng (Gia Bình), Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), Việt Hùng, Yên Giả, Đức Long (Quế Võ)… tích cực chuẩn bị điều kiện ao nuôi, con giống, thức ăn và đưa các giống thủy sản vào nuôi trồng.
Ông Nguyễn Hữu Cao, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản với quy mô gần 1,5 ha ở thôn Guột, xã Việt Hùng (Quế Võ) cho biết: “Sau khi thu hoạch hết các đối tượng thủy sản nuôi trồng trong năm 2012, gia đình đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy dọn ao bằng cách tháo cạn nước, rắc vôi bột, phân chuồng và phơi khô lòng ao trong thời gian 2-3 tuần rồi mới lấy nước và đưa các giống thủy sản mới vào nuôi thả”.
Còn ông Nguyễn Phú Quý, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản ở xã Nhân Hòa (Quế Võ) cho biết: “Ngay sau khi thu hoạch xong vụ cá năm 2012, gia đình tôi đã đầu tư gần 70 triệu đồng để thực hiện nạo vét lòng ao, tôn cao bờ bao bởi thông qua các lớp tập huấn và thực tiễn nuôi thả tôi nhận thấy để nuôi cá đạt năng suất cao, chăn nuôi thủy sản phát huy tốt hiệu quả kinh tế điều kiện tiên quyết là có được ao sâu, bờ ao cao rộng”.
Mục tiêu năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt xấp xỉ 5.500 ha, sản lượng đạt 34.500 tấn. Do vậy thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống và thức ăn thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản các biện pháp phòng, chống nắng nóng, rét, dịch bệnh và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nông dân nhằm triển khai tốt đề án nuôi cá thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Triển khai đề án nuôi cá thâm canh có năng suất giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015 và tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thiết kế các dự án chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là hệ thống cấp và thoát nước và môi trường vùng nuôi; thường xuyên kiểm tra các hoạt động nuôi trồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá hoại môi trường và cơ sở hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.

Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc sông Đồng Nai là sự kết nối giữa 2 nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi cách nhau khoảng 10km, trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt thoáng khoảng 25,2 km2. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW. Nhà máy thủy điện Đa Mi gồm 2 tổ máy với công suất là 175MW.

Trong năm 2013, nghề nuôi tôm của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh, như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu… Tuy nhiên, nhờ những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời trong việc hướng dẫn sản xuất và phòng chống dịch bệnh, cùng với những nỗ lực của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh trên tôm đã giảm. Giá tôm tăng đã giúp người nuôi tôm có lãi. Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang phát triển theo chiều hướng tích cực.