Tập trung phát triển cây ăn quả

Dương Phong nằm ở phía Tây Nam của huyện Bạch Thông, là địa phương thuận lợi về giao thông, lại có khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với vùng quýt Quang Thuận nên Dương Phong có điều kiện tốt để tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Vì vậy Dương Phong đã trở thành một trong 3 xã nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả cam, quýt của tỉnh.
Qua tìm hiểu được biết, cây cam quýt được người dân trong xã đưa vào trồng từ rất lâu, nhưng thời kỳ đầu manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Cây cam, quýt chỉ thực sự phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vào khoảng chục năm trở lại đây.
Cây ăn quả cam, quýt hiện nay đang là cây trồng mũi nhọn của xã Dương Phong, giúp cho hàng trăm nông hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch quỹ đất dành riêng cho trồng cây cam, quýt theo từng thôn.
Do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, người dân lại có kinh nghiệm trong canh tác cây trồng này nên việc mở rộng diện tích đã không mấy khó khăn.
Nhiều hộ gia đình đã nhận thức rõ về giá trị kinh tế của cây cam, quýt do đó đã chủ động mở rộng diện tích, tiếp nhận và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của huyện, tỉnh vì vậy vài năm trở lại đây diện tích không ngừng tăng theo từng năm.
Từ chỗ chỉ vài diện tích nhỏ lẻ, đến nay toàn xã đã có hơn 500ha cây cam, quýt, trong đó có gần 400ha đã và đang cho thu hoạch, tập trung nhiều tại các thôn Khuổi Cò, Bản Chàn, Bản Mún 1, Nà Coọng, Tổng Ngay, Bản Mèn.
Cây cam, quýt đã được đưa vào nghị quyết và chỉ tiêu phát triển kinh tế hằng năm, do đó đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, cung cấp cây giống đạt chất lượng, chính quyền xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động cải tạo những diện tích đồi tạp, kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây cam, quýt để tăng giá trị kinh tế.
Hằng năm xã đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, thực hành ngay trên vườn quýt của hộ gia đình qua đó giúp người trồng nắm bắt kỹ thuật và áp dụng hiệu quả, đồng thời tổ chức cung ứng phân bón cho bà con theo hình thức trả chậm.
Nhờ huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển cây cam, quýt nên năng suất, chất lượng ngày càng tăng cao.
Nếu như năm 2011 sản lượng cam, quýt toàn xã đạt 800 tấn thì đến năm 2014 đạt 1.000 tấn, năm 2015 ước đạt 2.000 tấn, giá trị kinh tế đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Cam, quýt thương phẩm được xuất bán đi thị trường các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, hàng trăm nông hộ có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng, hộ nhiều thu đạt 800 triệu đồng/vụ.
Chuyện những nông dân sở hữu từ 2 đến 3ha cây cam, quýt ở Dương Phong giờ đã không còn là chuyện hiếm, nhờ cây trồng này mà nhiều hộ đã xây được nhà cao tầng khang trang.
Theo thống kê, toàn xã có 85% người dân tham gia trồng và có thu nhập cao từ cây ăn quả cam, quýt, số hộ nghèo chỉ còn 22 hộ.
Do nằm trong vùng quy hoạch cây cam, quýt của tỉnh nên Dương Phong đã được ưu tiên nhiều chương trình, dự án, trong đó Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai kỹ thuật ghép mắt cam quýt địa phương với gốc bưởi mang lại chất lượng quả tốt.
Đến nay phần lớn diện tích mới đều trồng giống quýt ghép cho thời gian thu hoạch nhanh hơn, chất lượng quả tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Năm 2014 toàn xã trồng mới được 33ha, năm 2015 trồng mới hơn 40ha cây cam, quýt.
Việc quả quýt được cấp chỉ dẫn địa lý đã mở ra cơ hội để người dân xã Dương Phong phát triển thành vùng hàng hóa tập trung, quýt thương phẩm đươc nhiều nơi biết đến, thị trường tiêu thụ ổn định, giúp cho người dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Đồng chí Ma Văn Thời, Bí thư Đảng ủy xã Dương Phong cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định cây ăn quả cam,quýt vẫn là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, giúp nông dân làm giàu.
Vì vậy cấp ủy, chính quyền xã sẽ tăng cường chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền người dân chủ động chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây cam, quýt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.
Mặc dù vậy, hiện nay việc phát triển cây cam, quýt ở Dương Phong vẫn còn những hạn chế như: nhiều khu vực đất đai bạc màu cằn cỗi, sâu bệnh gây hại, người dân thu hoạch quả sớm ảnh hưởng đến chất lượng.
Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ, thu hoạch đúng thời điểm để giữ được màu sắc, chất lượng và vị ngọt của quả, về phía chính quyền xã cũng mong được sự quan tâm của cơ quan chức năng trong việc triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại hiệu quả để không những giữ vững diện tích vốn có mà còn giúp người dân yên tâm mở rộng thêm diện tích trồng mới.
Có thể bạn quan tâm

Do diễn biến bất thường của thời tiết nên năm nay mưa nhiều, cây trồng có nơi bị ngập úng, ở một số vùng trồng cam canh, bưởi diễn của Hà Nội đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Trong khi thanh long trái vụ đang được nông dân bán với giá từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, thì tại xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), một số người dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh đốm trắng đang gia tăng trên hầu hết diện tích thanh long của họ...

Nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng đậu phộng dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 - 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.

Nông dân trồng vú sữa ở Tiền Giang, đang bước vào vụ thu hoạch vú sữa nâu sớm với niềm vui bán được giá cao, thị trường tiêu thụ rộng mở và người tiêu dùng ưa chuộng. Theo chị Ngô Thị Nhu, chủ vựa trái cây Dũng Nhu ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết: Vú sữa nâu được bán ở chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim với giá khoảng 420.000 đồng/chục (14 trái). Do vú sữa đầu mùa xuất hiện ít, nên phương thức mua bán được tính theo trái chứ không theo chục như chính vụ, tương đương 30.000 đồng/trái (loại trên 400 gam/trái). Giá này cao hơn chính vụ từ 8 đến 10 lần. Với mức giá trên, nhà vườn trồng vú sữa nâu thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Trong 3 năm từ 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với dự án Jica – Sofri triển khai thực hiện dự án “Cải thiện hệ thống khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt cho nông dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long” tại huyện Kế Sách. Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình đã thu được kết quả khả quan.