Tập Đoàn Cao Su VN Gây Thiệt Hại Hàng Trăm Tỉ Đồng

Kết thúc cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2005 - 2011, Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), tính đến cuối năm 2011, VRG đã đầu tư ra ngoài nghề kinh doanh chính số vốn hơn 2.420 tỉ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư. VRG sử dụng vốn đầu tư dàn trải vào nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp… và tỷ lệ lợi suất thu được rất thấp, chỉ đạt 3,95%; nhiều khoản đầu tư trong nhiều năm không thu được lợi nhuận; một số khoản tiềm ẩn nguy cơ gây mất vốn lớn.
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng
Trong đó, VRG đầu tư hơn 390 tỉ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Tổng công ty xây dựng miền Trung... nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia. Đầu tư hơn 600 tỉ đồng vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thép… nhưng không có lợi nhuận được chia trong giai đoạn 2008 - 2011… Từ năm 2012, VRG thực hiện việc thoái vốn nhưng vào thời điểm thanh tra tháng 5.2013 vẫn còn 23 doanh nghiệp giá trị vốn đã đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng.
Một trong những sai phạm lớn được TTCP chỉ rõ là VRG chủ trương việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty cổ phần cao su Phú Riềng - Kratie (PRK) để đầu tư trồng cao su tại Campuchia, nhưng đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong khâu khảo sát, lập dự án, dẫn đến thiệt hại có thể lên tới hơn 483 tỉ đồng. Trong khi đó, VRG và chủ đầu tư còn thực hiện vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng và sử dụng sai mục đích gần 1,9 triệu USD chưa thu hồi được.
Tương tự, tại một số đơn vị thành viên được thanh tra, TTCP phát hiện bên cạnh đầu tư trong ngành nghề thiếu tính toán gây lãng phí, không hiệu quả thì đầu tư ngoài ngành cũng rất lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ, mất vốn.
Đơn cử, Công ty cổ phần cao su Tây Ninh tính đến cuối năm 2011 đã đầu tư gần 70 tỉ đồng vào 6 công ty ngoài ngành nghề nhưng chỉ một công ty có lãi khoảng… 1,5 tỉ đồng; Tổng công ty cao su Đồng Nai đầu tư 362 tỉ đồng nhưng có tới trên 92% giá trị đầu tư chưa thu được lợi nhuận.
Ngoài ra, TTCP còn xác định VRG và các đơn vị thành viên còn có nhiều sai phạm trong chuyển nhượng đất đai, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng…
Điều tra “công ty sân sau”
Mua bán chứng khoán sai phạm trên 365 tỉ đồng
TTCP cũng đề nghị Bộ Công an mở rộng điều tra đối với các sai phạm trong hoạt động huy động và sử dụng vốn, trong đó có việc mua bán chứng khoán với khoản tiền sai phạm trên 365 tỉ đồng tại Công ty tài chính TNHH MTV cao su VN. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can là cán bộ, nhân viên công ty này, cũng liên quan đến việc huy động và cho vay vốn...
Kết thúc cuộc thanh tra, TTCP kiến nghị cơ quan chức năng xử lý về kinh tế số tiền hơn 8.300 tỉ đồng, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân ở VRG và các đơn vị thành viên có sai phạm.
Đáng chú ý, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra một số vụ việc có sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong đó có việc đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC).
Công ty này được cấp giấy phép kinh doanh lần đầu năm 2007 với vốn điều lệ 169 tỉ đồng, do các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng và một số cá nhân là lãnh đạo VRG. Các đơn vị này đã sử dụng quỹ phúc lợi của công ty để góp vốn, khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG là trái quy định về quản lý vốn nhà nước.
Việc một số cá nhân là lãnh đạo VRG và các công ty thành viên tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động Công ty DSEC như: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị DSEC; Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và xuất khẩu cao su (góp vốn cá nhân) kiêm ủy viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc DSEC là trái quy định về quyền thành lập, góp vốn mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp.
Đáng chú ý, từ khi thành lập đến năm 2012, DSEC liên tục bị thua lỗ nhưng vẫn được Công ty tài chính TNHH MTV cao su VN và các đơn vị góp vốn ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Trên thực tế, nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Việc đầu tư góp vốn, quản lý sử dụng tại DSEC đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253 tỉ đồng, có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc góp vốn, sử dụng vốn đầu tư...
Có thể bạn quan tâm

Ban Quản lý cũng đang xúc tiến làm việc với các đơn vị để tiếp nhận khu đất khoảng 180ha tại Nông trường An Hạ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) để xây dựng Khu NNCNC chuyên về chăn nuôi, chủ yếu nghiên cứu phát triển giống heo, bò…

Xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) với thương hiệu chè sạch truyền thống. Chè sạch Ba Trại đã được chứng nhận thương hiệu cách đây 4 năm nhưng người nông dân nơi đây vẫn đang vất vả tìm đường cho sản phẩm truyền thống của mình, nơi mà một thị trường rộng lớn chỉ cách 60km...

Với việc Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho ngô biến đổi gene, đại diện Hội đồng ATSH cho rằng, chỉ còn một thủ tục là đăng ký giống với Bộ NNPTNT để tiến hành khảo nghiệm kết hợp diện hẹp, diện rộng một vụ nữa là nông dân sẽ được trồng loại cây này.

Viện trưởng Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho biết, ông cũng tự mua một quả lê Trung Quốc để tại phòng làm việc tại Viện. Đến nay, đã 5 tháng mà quả lê này không bị hỏng và việc tìm nguyên nhân vì sao trái cây vẫn tươi mới là điều rất khó khăn.

Thông tin Nhà máy Đường Thới Bình thuộc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam (gọi tắt là NMĐ Thới Bình), tại ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) ngừng thu mua mía trong vụ mùa tới khiến hàng ngàn hộ dân trồng mía ở Cà Mau, Kiên Giang như đang ngồi trên lửa.