Táo Trung Quốc vào Việt Nam bị hô thành Táo mèo Hà Giang

“100% là táo mèo”!
Khảo sát ở các chợ Hà Nội, loại “táo mèo” này được bày bán khá phổ biến tại các cửa hàng, sạp hoa quả. Tại chợ cóc phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội có hai hàng bán, giá 30.000 đồng/kg. Táo có kích cỡ nhỏ, màu vàng ngả đỏ, tươi ngon được bọc trong các túi xốp nhỏ chống dập nát.
Tại phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội cũng có 4, 5 hàng bán rong loại táo này. Giá bán tại đây rẻ hơn một chút khi chỉ 25.000 đồng/kg. Do ăn có vị rất ngọt, giòn, giá cả lại phải chăng nên loại táo này được giới sinh viên và người lao động mua nhiều. Chị Trương Thị Linh, bán hàng tại đây cho hay: “Táo ngon, lại rẻ nữa, mỗi ngày tôi bán được gần nửa tạ, cứ yên tâm mà ăn”.
Khi được hỏi đây là táo gì, có phải táo Trung Quốc không, chị Linh gạt “phăng” đi, khẳng định chắc nịch: “Làm gì có táo Trung Quốc em ơi, quả bé mà giòn thế này mà em không biết là táo mèo à! Táo Trung Quốc quả to chứ đâu có loại quả bé thế này”.
Tương tự chị Linh, không một người bán nào nói táo mình bán là táo Trung Quốc, ai cũng nói chắc “như đinh đóng cột” táo mình bán là táo mèo. Chị Lan, bán hàng phố Đội Cấn cho hay: “Táo mèo Hà Giang em ơi, ăn giòn thế này mà em bảo là táo Trung Quốc, chị bán bao năm ở đây, ai ăn làm sao chị …đi đầu xuống đất”.
Táo Trung Quốc đội lốt táo mèo Hà Giang bán tràn lan tại các chợ Hà Nội
Mỗi ngày 100 tấn táo Tàu vào Việt Nam
Loại táo này đặc biệt được bán nhiều tại các khu chợ sinh viên, chợ đêm và khu tập trung đông sinh viên ở trọ. Thậm chí có những hôm ế hàng, người bán giảm giá xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg.
Tại cổng trường Đại học Thủy lợi, gần chục sạp bán hoa quả đều có bán loại “táo mèo Hà Giang” này. Bạn Minh Anh, sinh viên trường Đại học Hà Nội vừa mua một kg cho hay: “Em rất hay mua táo này vì giá rẻ, hợp túi tiền với sinh viên bọn em. Ngoài ra, chị bán hàng quen ở đây cũng khẳng định chắc chắn táo nhỏ này là táo mèo Hà Giang nên em cũng tin tưởng thế”.
Cũng bởi 100% người bán hàng đều luôn miệng khẳng định táo mình bán là táo mèo Hà Giang trong khi, được biết táo mèo Hà Giang là loại táo nhỏ chỉ bằng hai đầu ngón tay, là loại táo chát thường được người dân dùng để ngâm rượu chứ không phải là loại táo to ăn trực tiếp như hoa quả thường ngày.
Do đó, nhiều người tiêu dùng phản ánh đến Chất lượng Việt Nam bày tỏ sự nghi ngờ về sự gian dối nguồn gốc của những người bán hàng, táo bày bán theo phản ánh trên có đúng thật là táo mèo Hà Giang như người bán hàng nói hay là táo Trung Quốc đội lốt.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Tôi thấy nghi ngờ lắm, Hà Giang không biết có trồng loại táo này không, chưa nói đến chuyện sản lượng sao nhiều để bán thế, chỗ nào cũng thấy bán tràn lan”.
Tương tự, anh Ngô Văn Dũng, trú tại phố Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ băn khoăn: “Tôi từng đi lên vùng các tỉnh Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc, họ cũng không nói khẳng định đây là táo mèo Hà Giang. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ về nguồn gốc, không thể để nhập nhèm khiến người tiêu dùng luôn trong tâm trạng bán tín bán nghi như vậy được”.
Chiều 4/9, trao đổi với Chất lượng Việt Nam, bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 7, thuộc Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tấn táo Trung Quốc. Theo bà Hiền, trên vùng này chỉ có loại táo mèo ngâm rượu chứ không có loại táo to để ăn luôn gọi là táo mèo Hà Giang như người bán dưới Hà Nội khẳng định.
Về công tác kiểm dịch, Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 7 vẫn thường xuyên lấy mẫu kiểm tra các lô hàng táo Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. “Kết quả cho thấy, các mẫu đều nằm trong ngưỡng an toàn, không phát hiện mẫu nào chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép”, bà Bế Thị Thu Hiền nói.
Có thể bạn quan tâm

Đó là kết quả được đánh giá tại Hội thảo mô hình nuôi ghép cá rô phi lai xa dòng Isarel với các loài cá truyền thống khác (cá rô phi là chính) theo hướng an toàn diễn ra ngày 23 tháng 10 năm 2014, tại xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương.

"Một năm SX nông nghiệp không đạt lợi nhuận 100 triệu đ/ha trở lên là không đủ chi phí cho gia đình 7 người", vợ chồng ông Dương Văn Thắng ở xã Long An (Long Hồ, Vĩnh Long) chia sẻ.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Từ năm 2010 đến nay, Sóc Trăng không còn công nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, toàn bộ sản lượng cá thương phẩm đều bán cho các tỉnh lân cận. Theo thống kê của ngành thì người nuôi cá tra ở Sóc Trăng bị thua lỗ liên tục từ năm 2008 đến nay do chi phí đầu vào cao hơn từ 1.200 đến 2.500 đồng trên 1kg cá thương phẩm.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Văn Dương khi anh đang cho cá ăn, dù đang bận tay với công việc nhưng gương mặt không giấu được niềm vui, anh nhẩm tính: “Với 4.000 m2 diện tích ao nuôi cá chép V1 làm chính, qua 4 tháng nuôi, tôi thấy cá lớn nhanh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 400gam/con, với giá thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg, gia đình có thể thu lợi nhuận khoảng 27 triệu đồng”.