Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tạo Dựng Thương Hiệu Lúa Giống Tân Phú Bằng Chất Lượng Hạt Giống

Tạo Dựng Thương Hiệu Lúa Giống Tân Phú Bằng Chất Lượng Hạt Giống
Ngày đăng: 02/02/2014

Những năm gần đây, ngoài sản xuất lúa hàng hóa, nông dân huyện Cai Lậy (Tiền Giang) còn nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống. Những nông dân có điều kiện về đất đai, tâm huyết với nghề đã tập hợp, liên kết để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cung ứng lúa giống cho thị trường.

Hơn 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa giống Tân Phú (Tân Phú, Cai Lậy) đã thu hút nhiều nông dân trong xã tham gia, tạo dựng thương hiệu bằng chất lượng hạt giống và hiệu quả kinh tế.

THT sản xuất lúa giống Tân Phú hiện có 20 tổ viên, với diện tích sản xuất 14 ha ở các ấp: Tân Thới, Ấp Bắc, Tân An, Tân Hòa và Tân Hiệp. Tổ viên đều là những nông dân đã được trang bị kiến thức từ các lớp nhân giống lúa do ngành Nông nghiệp huyện tổ chức và có thời gian sản xuất lúa giống theo sự bao tiêu của các trung tâm giống nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, tổ trưởng, suốt thời gian gắn bó với ruộng đồng, ông luôn trăn trở với việc nâng cao giá trị hạt lúa. Trước đây, khi sản xuất lúa hàng hóa, ông và nhiều nông dân trong vùng đều chịu cảnh giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Sau khi tham gia lớp tập huấn nhân giống lúa do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, ông chuyển 2,2 ha đang sản xuất lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống cho Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang.

Sau thời gian sản xuất với sự bao tiêu của trung tâm, năm 2011 THT ra đời để nâng cao hơn nữa giá trị hạt giống. Hiện nay, với bề dày kinh nghiệm và vai trò tổ trưởng, ông Nguyễn Văn Đức hướng dẫn và khuyến khích những nông dân khác nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống.

Ông chia sẻ: “Tổ viên có diện tích sản xuất từ 0,5 - 2,5 ha, đều là những nông dân đã nhiều năm gắn bó với việc sản xuất lúa giống. Cái được lớn nhất của mô hình là nông dân tập làm quen với cung cách làm việc tập thể và chủ động trong sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ. Hàng tháng, THT họp định kỳ để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường, đưa vào nhân những giống lúa đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, tổ viên cũng nhạy bén ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giảm rủi ro do dịch hại, thu lợi nhuận cao hơn”.

Ông Lê Thanh Vũ ở ấp Tân Thới, là tổ viên cho biết, tham gia THT lợi nhuận từ sản xuất lúa giống cao hơn sản xuất theo bao tiêu của các trung tâm giống khoảng 30% do hạn chế được các khâu trung gian. Cũng theo ông Vũ, trong sản xuất lúa giống muốn đạt hiệu quả thì việc vệ sinh đồng ruộng rất quan trọng để hạn chế lúa lộn từ những vụ trước.

Ngoài ra, nông dân phải áp dụng giống mới, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thổ nhưỡng địa phương. Tuy khắt khe và đòi hỏi trình độ thâm canh cao, nhưng lúa giống nông dân sản xuất ra được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn và đầu ra luôn ổn định nên đảm bảo nông dân thu được lợi nhuận khá. Riêng ông, sau mỗi vụ đều rút ra kinh nghiệm để sản xuất vụ sau giảm chi phí đầu tư, lượng hạt giống gieo sạ, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng hạt giống.

Hàng năm, THT cung ứng ra thị trường trên 60 tấn lúa giống. Ngoài chất lượng hạt giống đã được khẳng định, THT còn có đầu ra ổn định nhờ ký được hợp đồng tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, cải thiện đáng kể thu nhập cho tổ viên.

Riêng vụ đông xuân 2013 - 2014, THT sản xuất 11 ha lúa giống, với các giống được thị trường ưa chuộng như: Nàng Hoa 9, OM 6976, OM 4900, OM 5451, AP 2010… Hiện nay, THT đảm nhận từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Tổ còn trang bị thêm máy móc, thiết bị để đảm bảo việc phơi sấy, nâng cao chất lượng hạt giống, đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho thị trường.

Mô hình THT sản xuất lúa giống Tân Phú là hình thức liên kết sản xuất thể hiện tính chuyên nghiệp và nhạy bén kinh doanh của người nông dân. Hiệu quả từ mô hình đang giúp nông dân Tân Phú nâng cao giá trị hạt lúa và quê hương Ấp Bắc có thêm mô hình làm giàu hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Mở Rộng Vùng Quy Hoạch Nuôi Cá Lồng Bè Mở Rộng Vùng Quy Hoạch Nuôi Cá Lồng Bè

Hiện nay, theo nhu cầu phát triển vùng nuôi thủy sản lồng bè của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Châu Thành đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh quy hoạch cho huyện phát triển mở rộng khu vực nuôi cá lồng bè, đoạn sông Tiền từ vàm Hội Xuân đến đoạn cuối cồn An Hòa giáp ranh tỉnh Vĩnh Long chiều dài khoảng 4.000m, thuộc địa bàn xã An Nhơn.

05/11/2014
Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó Việc Tiêu Thụ Quýt Đường Đang Gặp Khó

Gần 2 tháng qua, giá quýt đường giảm khiến không ít nhà vườn của huyện Lai Vung lo ngại. Bởi trồng 1 công quýt đường, nhà vườn phải đầu tư trên 100 triệu đồng, nếu quýt đường tiếp tục giảm giá chắc chắn nhà vườn bị lỗ hoặc không đáp ứng đủ chi phí tái sản xuất.

05/11/2014
Phát Triển Cây Đậu Tương Ở Xín Mần “Một Cách Làm, 2 Lợi Ích” Phát Triển Cây Đậu Tương Ở Xín Mần “Một Cách Làm, 2 Lợi Ích”

Năm 2014, Xín Mần trồng 3.223,5 ha cây đậu tương, trong đó giống mới 2.158 ha, chiếm trên 67%. Sản lượng cả năm ước đạt 4.564 tấn. Kết quả đó có được từ giải pháp hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia trồng đậu tương nguyên chủng để làm giống nhân rộng trồng cho vụ kế tiếp ngay trong năm.

05/11/2014
Mèo Vạc Chú Trọng Nguồn Thức Ăn Và Phòng, Chống Rét Cho Đàn Gia Súc Mèo Vạc Chú Trọng Nguồn Thức Ăn Và Phòng, Chống Rét Cho Đàn Gia Súc

Mùa Đông đến là thời điểm gia súc dễ bị suy kiệt, giảm sức đề kháng dẫn đến chết do đói và rét. Vì thế, những năm qua, công tác chăn nuôi của huyện Mèo Vạc luôn được chú trọng. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc khi mùa khô đến, ngành Nông nghiệp huyện đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chống đói, rét cho đàn gia súc, bảo đảm cho gia súc khỏe mạnh và phát triển tốt.

05/11/2014
Xây Xây "Cơ Nghiệp" Trên Đất Khó

Đến thăm gia đình ông Thông vào buổi trưa oi gắt. Bên mái hiên căn lán nửa xây, nửa dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, gỗ tạp, bà Nguyễn Thị Kim Bình đang thái từng nắm lớn rau dại làm thức ăn độn cho đàn lợn nái, gà, vịt. Lưng chừng đồi, ông Thông xới cỏ, vun gốc cho vườn cam canh đã cao vượt đầu người.

05/11/2014