Tạo Cơ Sở Cho Tam Nông Đón Vốn

Cho vay theo chuỗi dự án tuy là một hình thức mới, với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực cho vay tam nông, tuy nhiên để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương cần phải tạo cơ sở cho “tam nông” đón vốn.
Nông nghiệp công nghệ cao luôn thiếu vốn
Nữ doanh nhân Thái Hương - chủ thương hiệu sữa TH True milk cũng là lãnh đạo của Ngân hàng Bắc Á mạnh dạn đưa ra lời nhận xét: "Hệ thống ngân hàng từ năm 2010 đến nay đã có sự đột phá lớn về cho vay nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn 2013-2014, hầu như tỉnh nào cũng có ngân hàng chuyên cho vay hỗ trợ tam nông.
Tuy nhiên, theo tôi thấy, các ngân hàng nhìn nhận chưa đồng đều về tín dụng nông nghiệp. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ định các ngân hàng tham gia cho vay nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn nhiều ngân hàng quay lưng lại”.
Bà Thái Hương đề nghị cần có gói cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao, không cho vay theo từng giai đoạn, không cho vay hợp vốn. Vì mỗi ngân hàng có một mục tiêu khác nhau, nếu ngân hàng A cho vay nhưng ngân hàng B chưa cho vay thì dự án vẫn nằm im.
Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng.
Để phát huy được hiệu quả tối đa công nghê cao ứng dụng cho nông nghiệp, Việt Nam cần phải lựa chọn những giải pháp chính sách và lộ trình cụ thể, trong đó, phát huy vai trò liên kết công - tư trong nông nghiệp là một giải pháp hữu ích.
Phải xây dựng vùng nguyên liệu để đón vốn
Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” vừa tổ chức tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Tín dụng năm nay vẫn chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, trong đó sẽ tập trung nhiều hơn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Đông-Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Thời gian qua, ngân hàng cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả lớn. Điển hình tại TP.Cần Thơ, Agribank đã cho vay theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Tại Hà Nam, ngân hàng này cũng đã triển khai cho vay theo mô hình liên kết bốn nhà để chăn nuôi lợn.
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng cũng cho biết: Gần đây NHNN phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học- Công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... để thí điểm chương trình tín dụng này với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp. Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), NHNN tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, để chương trình thí điểm có thể thành công, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đồng bộ từ các chính sách khác, như chính sách về bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp, vấn đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp; quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện hỗ trợ pháp lý và cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp và người sản xuất; chính sách về đất đai, dồn điền đổi thửa...
Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Tiến Đông - Phó Tổng Giám đốc Agribank, để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất, tránh tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán đã diễn ra trước đây.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi bất ngờ phát hiện virus cúm A/H5N6 nguy hiểm trên gia cầm lậu tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai và đàn chim hoang, mới đây Bộ NN-PTNT cho biết, dịch cúm H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Nam Trung bộ. Nỗi lo xâm nhập virus cúm A/H5N6 từ gà vịt lậu đang đe dọa đàn gia cầm nuôi trong nước vào những tháng cuối năm.

Mô hình thành công sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng của tỉnh, đồng thời, đây sẽ là một trong những cây trồng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất lúa, màu... kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh an toàn có giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, phát triển sản xuất theo hướng an toàn và bền vững.

Vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh Hậu Giang trồng được 12.559ha, trong đó, các giống mía chín sớm (ROC 16) chiếm khoảng 50% diện tích. Hiện tại, các ruộng mía đã có thời gian từ 8-10 tháng tuổi. Từ giữa tháng 8 đến nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã phối hợp với ngành chức năng của TX.Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp tổ chức 4 đợt đo thăm dò chữ đường (CCS) tại một số ruộng mía của người dân.

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến cuối tháng 8-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đạt trên 4,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,8 tỉ đô la Mỹ, giảm lần lượt gần 9,2% về lượng và trên 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.