Tăng Trưởng Tín Dụng Vượt Ngưỡng Âm

“Từ ngưỡng âm trong những tháng đầu năm, hai tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt trên 1,2%. Đây là dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế sau thời gian dài đóng băng” – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi Trần Luyện nhận định.
Bà Phạm Thị Thu Hương – Phó Giám đốc chi nhánh Vietinbank Quảng Ngãi cho biết: “Mục tiêu của ngân hàng là mở rộng đối tượng cho vay, thu hút nhiều khách hàng. Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, thủ tục nhanh gọn, ngân hàng còn thực hiện cơ chế tín dụng, tạo điều kiện để khách hàng đáo hạn vốn vay dễ dàng.
Ngoài ra, Vietinbank cũng dành nhiều gói tín dụng có những thang nấc về lãi suất để phù hợp với từng đối tượng có nhu cầu vay”. Vietinbank hiện áp dụng lãi suất cho vay 6 tháng là 9,5%/năm, 12 tháng 10,5%/năm.
Đặc biệt ngày 15.4 vừa qua, ngân hàng này đã dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay đối với khách hàng bán lẻ với giá lãi suất 8%/năm, gói tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó có lãi suất từ 6 -8%/năm, giảm 2% so với trước. Linh hoạt thu hút nhiều đối tượng cho vay, đến nay tổng dư nợ ngân hàng đạt 2.900 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 8%.
Đối với Vietcombank Quảng Ngãi, chiến lược thu hút khách hàng của ngân hàng này khá chất lượng. Vietcombank đã phân nhóm xuống các địa phương gặp gỡ và trao đổi trực tiếp để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay. Chính vì vậy, mà ngoài các doanh nghiệp lớn, thời gian qua nhiều ngư dân đã tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng này.
Ông Trương Hoài Phong, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) bộc bạch: “Cũng nhờ Vietcombank mà mấy cha con tôi đã thực hiện được ước mơ vươn biển khơi. Hiện nhà tôi đã đóng được 3 đôi tàu có công suất 450 CV. Hai đôi tàu hiện đang đánh bắt ngoài khơi xa, đôi còn lại sắp hạ thủy. Gia đình đang làm thủ tục vay 800 triệu đồng ở Vietcombank để hoàn thành chi phí cho đôi tàu trước khi ra khơi ”.
Tại Sacombank, ngoài việc hạ lãi suất, hướng đến các thị trường nhỏ lẻ, ngân hàng này đã có kế hoạch làm việc với tỉnh để cho vay gói tín dụng lãi suất thấp nhằm hoàn thành mạng lưới điện thắp sáng cho đảo Bé. Theo đó, lãi suất sẽ bằng lãi suất mua trái phiếu Chính phủ, với khoảng 5%/năm. Ngoài ra, Sacombank còn đẩy mạnh tiếp cận khối nhân viên văn phòng để cho vay phục vụ tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Trung Hận – Giám đốc Chi nhánh SeAbank thì, hướng đến thị trường nhỏ lẻ, ngân hành chủ động tìm kiếm khách hàng, nắm thông tin, để đưa ra sản phẩm phù hợp. Bắt đầu từ quý 2, ngân hàng đã áp dụng lãi suất từ 8,5% - 8,8%, thấp hơn trước từ 1,2 -1,5%/năm.
Do đó, 6 tháng đầu năm, khách hàng của ngân hàng hấp thụ nguồn vốn khá tốt. Riêng lĩnh vực ngư dân, kinh doanh, tiêu dùng, chúng tôi cho vay 20 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến cuối tháng 5 lên 635 tỷ đồng.
Nền kinh tế phục hồi chậm, làm cho việc sản xuất trong nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng thời gian qua có phần bị đình trệ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã linh hoạt triển khai các phương án cho vay đối với khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều chương trình cho vay đã được tung ra, trong đó có chương trình vay nhanh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với hạn mức vay đủ để phục hồi sản xuất, thời gian xử lý hồ sơ nhanh, gọn nên đã góp phần tăng trưởng tín dụng đáng kể.
Ông Trần Luyện – Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi cho biết: Trong bối cảnh khó khăn, nhưng các ngân hàng đã nỗ lực khơi thông dòng vốn. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 31.500 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cuối năm 2013.
Dư nợ đạt trên 31.000 tỷ đồng, tăng trưởng đạt trên 1,2%, vượt ngưỡng âm so với 4 tháng trước. Điều này cho thấy vốn ngân hàng đã thấm vào nền kinh tế, sản xuất kinh doanh có chiều hướng khôi phục, thị trường nhỏ lẻ thu hút nguồn vốn chất lượng. Chất lượng tín dụng tốt nên nợ xấu còn 305 tỷ đồng. Trên đà này, những tháng cuối năm, đồng vốn nhàn rỗi ở các ngân hàng sẽ được khơi thông.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.

Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.

Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.