Tăng Thu Nhập Từ Trồng Ngô Kết Hợp Nuôi Bò

Mô hình trồng ngô (bắp) thu trái non kết hợp với nuôi bò đang được triển khai ở nhiều địa phương tỉnh An Giang. Cây ngô sau khi thu trái non, thân vẫn còn rất non, mềm, lá vẫn còn rất xanh và nhiều dinh dưỡng nên cho bò ăn rất hiệu quả...
Công thức “2B”
Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch trái ngô non, thân cây và vỏ trái ngô được bỏ đi, đồng nghĩa với việc bỏ đi một lượng lớn thức ăn cho bò. Từ đó người ta nghĩ ra mô hình trồng ngô kết hợp nuôi bò. Những năm gần đây, ở nhiều vùng trồng ngô thu trái non đã hình thành những mô hình “2B” (bắp + bò). Đặc biệt, ở những cánh đồng 3 vụ, vùng chuyên sản xuất rau màu, nhờ mô hình chăn nuôi bò thịt mà thu nhập của nhiều gia đình ở nông thôn tăng lên do tận dụng được lao động nông nhàn và phụ phẩm từ nông nghiệp.
Ông Lê Quang Diễn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới hồ hởi: “Trồng ngô thu trái non và nuôi bò riêng rẽ thì nông dân ở đây đã làm lâu rồi, nhưng trồng ngô kết hợp với nuôi bò thì chúng tôi mới làm mấy năm gần đây và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại hình chăn nuôi khác. Chúng tôi kết hợp với CLB Nông dân các ấp thường xuyên cung cấp thông tin, vận động hội viên, nông dân tham gia huấn luyện kỹ thuật và tích cực hưởng ứng thực hiện mô hình “2B”. Hiện riêng ở xã này đã có 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò có 37 thành viên, với hơn 9,5ha đất đang phát huy phương pháp làm ăn hiệu quả cao này.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết: “Sắp tới sở sẽ tiếp tục thí điểm triển khai mô hình này tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú. Các địa phương sẽ được Sở Công Thương và Công ty Antesco hỗ trợ một phần kinh phí về giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật canh tác ngô thu trái non kết hợp nuôi bò…”.
Ông Bùi Công Khanh - Chi hội trưởng Nông dân ấp Bình Tấn, xã Bình Phước Xuân cho biết, từ năm 2005 đến nay, nông dân nơi đây đã chuyển đổi từ lúa sang trồng ngô thu trái non kết hợp chăn nuôi bò. Ngô thu trái non trung bình đạt 300kg/công, bán với giá 13.000 đồng/kg, thu được 3,9 triệu đồng. Tận dụng phụ phẩm cây ngô, nông dân có thể nuôi thêm 2 con bò thịt, sau 8 tháng lãi được 17 - 19 triệu đồng, tùy theo thời giá thị trường. Theo tính toán của anh Khanh, nếu thực hiện theo mô hình “2B” thì riêng phần bò sẽ có lãi trung bình từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng/con.
Cùng nhau phát triển
Xã Mỹ An, huyện Chợ Mới là địa phương tiêu biểu ở An Giang về phát triển mạnh mô hình “2B”. Anh Võ Ngọc Phi - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Đến cuối tháng 8, chúng tôi đã thành lập 5 tổ vay vốn nuôi bò, hiện toàn xã có gần 350 hộ nuôi với tổng số gần 2.900 con bò. Chúng tôi xem việc hỗ trợ vốn cho bà con nông dân là khâu tiên quyết để bà con có điều kiện đầu tư chuồng trại, mua con giống…”. Anh Phi còn cho biết thêm, có 2 tổ vay vốn nuôi bò trong xã vừa được giải ngân 1,6 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, Hội đang xúc tiến nhanh để cố gắng cuối tháng 8 này, 3 tổ vay vốn còn lại cũng sẽ được giải ngân tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi xem mô hình “2B”, nông dân Nguyễn Văn Đoan, ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An phấn khởi: “Bà con rất mê mô hình “2B” vì rất đơn giản và hiệu quả, mang lại kinh tế cao. Chúng tôi chỉ lo thêm phần nuôi bò, bởi vùng này bà con ai cũng trồng ngô. Có nguồn thức ăn cho bò, ai trồng ít ngô thì mua thêm cũng chẳng tốn bao nhiêu, quan trọng là tiền vốn ban đầu để làm chuồng và mua bò giống. Tôi đang làm nền chuồng cho 2 con bò, chỉ chờ được giải ngân nữa là tôi thực hiện được “2B” rộng hơn…”.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ có 400m2 đất, nhưng gia đình bà Giang Thị Mai ở ấp 1, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) đang sở hữu một trang trại “mini” khép kín, gồm heo, chim bồ câu Pháp và vịt xiêm. Mỗi năm, gia đình bà thu về trên 200 triệu đồng từ mô hình này.

Năm 2014, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có 874 trang trại, gia trại (TT, GT) trong đó có 97 TT đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các TT, GT của huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại (86 TT, GT); 13 TT, GT nuôi gia cầm; 40 TT, GT nuôi trồng thủy sản; 4 TT, GT trồng cây hàng năm và cây lâu năm, còn lại là các TT, GT tổng hợp.

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.

Trong những ngày gần đây, không khí lạnh trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây rét đậm, rét hại. Vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện mưa tuyết. Các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.