Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn

Tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn
Ngày đăng: 25/11/2015

Khéo léo, cẩn thận đan kết từng hạt cườm vào nhau, bà Tạ Kim Tuyết, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi làm nghề đan kết hạt cườm cũng được 3 năm rồi.

Nhờ nghề này, gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Bình quân mỗi tháng, tôi cũng kiếm được từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng từ nghề này”.

Nhớ về quá trình đến với nghề, bà Tuyết kể, năm 2012, Hợp tác xã Đại Phát ở địa phương thành lập thêm các tổ dạy nghề đan kết hạt cườm nhằm nhân rộng mô hình và giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Thấy đây là hoạt động hay, với lại nghề cũng nhẹ nhàng, nên bà đăng ký tham gia lớp học.

Khi mới bắt tay vào làm những sản phẩm đan kết hạt cườm đầu tiên, bà Tuyết mới biết nghề đan kết hạt cườm không phải là nghề dễ dàng, mà rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, từ khi hoàn thành khóa học đến nay, bà đã làm được nhiều sản phẩm xinh xắn, bắt mắt và thật sự đam mê công việc “tạo hình” cho những hạt cườm nhiều màu sắc.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Tuyết cho biết thêm: “Lúc mới tham gia khóa học đan kết hạt cườm, tôi chỉ mong sao có được cái nghề để góp phần trang trải chi phí trong gia đình.

Chính vì vậy, khi sản phẩm được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ thuận lợi, tôi thấy phấn khởi lắm”.

Được biết, nghề đan kết hạt cườm do bà Võ Như Phượng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phát khởi xướng.

Lúc đầu, bà Phượng học nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau về hướng dẫn lại cho chị em ở khu vực.

Bà Phượng cho biết: “Nghề đan kết hạt cườm không khó, người khéo léo thì làm ra những sản phẩm nhiều hơn, khéo hơn nên thu nhập cao hơn.

Nếu không khéo tay thì chỉ cần chăm chỉ, chịu khó cũng sống được với nghề”.

Đối với những sản phẩm như móc khóa, quà lưu niệm có kích thước nhỏ, đơn giản thì chỉ mất thời gian từ 1 hoặc 2 giờ đồng hồ là hoàn thành sản phẩm, còn với những sản phẩm cầu kỳ như màn, túi xách… thì mất thời gian hơn, có thể từ 1 đến vài ngày.

Hiện nay, bà Phượng chính là người cung cấp nguyên liệu và thu gom sản phẩm của mọi người đem tiêu thụ.

Nhìn chung, nghề đan kết hạt cườm nhẹ nhàng, cho thu nhập kha khá, do đó, thu hút lao động trong và ngoài địa phương tham gia.

Chị Nguyễn Ngọc Phương, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Năm 2012, Hợp tác xã Đại Phát phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp đan kết hạt cườm cho phụ nữ nông thôn.

Lúc ấy, tôi liền đăng ký tham gia.

Sau khi hoàn thành khóa học, tôi mua nguyên liệu về nhà đan gia công rồi giao sản phẩm cho Hợp tác xã Đại Phát.

Nhờ vậy, từ đó đến nay mỗi tháng tôi cũng kiếm trên 1,5 triệu đồng để phụ giúp gia đình”.

Mặt hàng chủ yếu mà chị Phương thường làm là túi xách, ví cầm tay, móc khóa.

Theo chị Phương, làm càng lâu thì tay nghề càng cao, tăng tính sáng tạo.

Nếu như những túi xách đầu tiên chị làm chỗ thưa, chỗ khít, cứ tháo ra, kết lại, thì dần dần “tác phẩm” của chị cũng ra dáng hẳn và được khách hàng ưa chuộng.

“Làm nghề kết hạt cườm chủ yếu lấy công làm lời.

Những ai làm nghề kết hạt cườm này mà có nhiều thời gian và chuyên tâm vào việc thì sẽ có thu nhập ổn định”, chị Phương bộc bạch.

Hiện nay, các thành viên Hợp tác xã Đại Phát đang cố gắng làm ra nhiều sản phẩm để chuẩn bị cho đợt hàng vào dịp Lễ Giáng sinh sắp tới.

Bà Võ Như Phượng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Phát, cho biết thêm: “Ngoài bán sản phẩm tại chỗ, hợp tác xã còn nhận làm sản phẩm theo đơn đặt hàng của các khu du lịch.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các cơ sở, khu du lịch để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.


Có thể bạn quan tâm

Nhập nhằng sản phẩm làng nghề xây dựng thương hiệu Nhập nhằng sản phẩm làng nghề xây dựng thương hiệu

Xây dựng sản phẩm lưu niệm du lịch gắn với bảo tồn làng nghề đang là hướng ưu tiên hiện nay của nhiều địa phương. Thông qua các sản phẩm thủ công đặc trưng không chỉ giúp giữ gìn thương hiệu mà còn tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập để yên tâm gắn bó với nghề.

22/10/2015
Bảo tồn và phát triển bưởi trụ Đại Bình Bảo tồn và phát triển bưởi trụ Đại Bình

Trải qua một thời gian dài triển khai, dự án Bảo tồn nguồn gen và phát triển giống bưởi trụ lông Đại Bình do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam triển khai được kỳ vọng sẽ mở ra hướng nâng cao giá trị cho loại đặc sản này.

22/10/2015
Nhập nhằng sản phẩm làng nghề cạnh tranh với hàng ngoại Nhập nhằng sản phẩm làng nghề cạnh tranh với hàng ngoại

Trong khi các nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành than phiền về sự khan hiếm sản phẩm lưu niệm Quảng Nam thì tại không ít điểm du lịch, việc bày bán sản phẩm ngoại nhập diễn ra công khai gây ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề xứ Quảng.

22/10/2015
Nhập nhằng sản phẩm làng nghề khi làng nghề làm du lịch Nhập nhằng sản phẩm làng nghề khi làng nghề làm du lịch

Du lịch phát triển đã giúp nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hồi sinh, trở thành điểm tham quan của khách. Tuy nhiên, du lịch cũng mang đến những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến lợi ích.

22/10/2015
Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá

Những ngày này, nhiều hộ dân ở các xã ven sông của huyện Duy Xuyên đang khẩn trương thu hoạch vụ tôm cuối cùng trong năm 2015 nhằm tránh thất thoát do mưa lũ gây ra. Hiệu quả kinh tế của vụ nuôi này không cao do sản lượng sụt giảm cùng giá bán thấp hơn các vụ trước.

22/10/2015