Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp

Tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp
Ngày đăng: 21/05/2015

Việt Nam hiện đã tham gia đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương về lĩnh vực nông nghiệp. Theo các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết thì việc đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa đối với mặt hàng nông sản, về cơ bản phần lớn các hiệp định này đưa thuế suất về 0%.

Ông Trần Kim Long- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN & PTNT) cho biết, theo cam kết cắt giảm thuế mở cửa thị trường của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN với các đối tác, năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm.

Đến năm 2018, chỉ còn 55 dòng thuế giữ mức thuế 5%, vì cà phê arabica, đường củ cải phải giảm thuế xuống 0%, và tiếp tục duy trì 34 dòng thuế chưa cam kết cắt giảm đối với thuốc lá. Lâm sản và đồ gỗ, gồm 149 dòng thuế, phần lớn đã giảm thuế xuống mức 0%, chỉ còn 9 dòng sản phẩm đồ gỗ và nội thất là duy trì ở mức 5% năm 2015, nhưng toàn bộ sẽ về 0% vào năm 2018…

Trong khi đó, theo cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, năm 2015, có 21 dòng sản phẩm duy trì mức thuế cao 20%, 80 dòng ở mức thuế 5%, 46 dòng chưa cam kết cắt giảm. Đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm còn duy trì thuế…

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong xu hướng đàm phán hội nhập chúng ta sẽ tiến đến thực hiện theo thông lệ, quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Cơ hội thì rất nhiều, nhưng muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải thúc đẩy xuất khẩu và chúng ta cần các nước mở cửa cho nông sản của Việt Nam. Ngược lại khi thị trường trong nước phải mở cửa thì ngành nông nghiệp, mà nhất là lĩnh vực chăn nuôi, sẽ phải đối diện với thách thức rất lớn.

Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nhiều đối tác có khả năng xuất khẩu nông sản khá mạnh như Úc, New Zealand với sản phẩm thịt bò, hoa quả, hay Mỹ có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Việt Nam như thịt gà, thịt lợn, hoa quả… Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập, thị trường nông nghiệp rộng mở nên sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản sẽ rất cao. Với ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 17% trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng tác động trực tiếp tới đời sống của gần 70% dân số như Quảng Ngãi thì tác động của hội nhập đối với nông nghiệp và nông dân sẽ càng rõ nét.

Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020, nhằm phát huy tối đa lợi thế, xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, có tính cạnh tranh cao.

Theo ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đến năm 2020, Quảng Ngãi phấn đấu giữ tốc độ tăng trưởng bình quân ngành hằng năm trên 4%. Giá trị bình quân đất canh tác đạt 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 40%.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển nhóm cây có lợi thế cạnh tranh. Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Vừa qua, hai nhà đầu tư Nhật Bản gồm Tập đoàn Micware và Công ty Thủy sản Casali tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án nuôi trồng và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ngãi. Và cuối năm 2014, Công ty TNHH Thái Việt SWINE LINE (Thái Lan), một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng đang có định hướng đầu tư tại Quảng Ngãi dự án trại chăn nuôi heo nái sinh sản siêu nạc. Đây là tín hiệu đáng mừng song phải thừa nhận, việc thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp vẫn còn khá yếu.

Để tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, ngoài việc quản lý tốt các quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi cần định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP, GMP…) nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Cái Nước Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Nông Dân Cái Nước Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Để thực hiện thắng lợi vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngay từ đầu năm, công tác tuyên truyền được chính quyền các địa phương đẩy mạnh. Nhờ đó, người dân thấy được lợi ích của việc cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và đăng ký tham gia.

30/06/2014
Thuận Châu (Sơn La) Tổng Kết Mô Hình Cà Phê Vùng Cao Thuận Châu (Sơn La) Tổng Kết Mô Hình Cà Phê Vùng Cao

Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây có quả đạt 80,2%. Riêng ở xã É Tòng và Mường Bám, mỗi hộ đã thu từ 9 - 16 tấn quả tươi, trị giá từ 7,2 - 13 triệu đồng/hộ.

28/11/2014
Hai Điểm Nhấn Của Ngành Chăn Nuôi Thủ Đô Hai Điểm Nhấn Của Ngành Chăn Nuôi Thủ Đô

Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn ở tốp đầu cả nước, những năm qua, công tác phát triển chăn nuôi của Hà Nội luôn được quan tâm với nhiều chương trình, đề án được triển khai.

28/11/2014
Hiệu Quả Thiết Thực Hiệu Quả Thiết Thực

Trong những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đã không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp hội viên nông dân (HVND), đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi và đã đạt được kết quả tích cực.

30/06/2014
Sản Xuất Nước Mắm Theo Chuẩn An Toàn Thực Phẩm Sản Xuất Nước Mắm Theo Chuẩn An Toàn Thực Phẩm

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm vì chạy theo lợi nhuận đã đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Để khẳng định uy tín thương hiệu của mình, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm đã tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ để cho ra những loại nước mắm ngon, đảm bảo chất lượng.

30/06/2014