Tăng giá thu mua, nhà máy đường vẫn lo thiếu mía

Nhiều doanh nghiệp (DN) mía đường cũng bắt đầu đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển cánh đồng nguyên liệu, chia sẻ lợi nhuận với bà con sau nhiều năm “mạnh ai nấy làm”.
Giá tốt từ đầu vụ
Giữa tháng 11.2015, mía nguyên liệu tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… được các DN thu mua với giá từ 940.000 - 960.000 đồng/tấn, chưa kể các khoản trợ giá, tiền thưởng...
cho nông dân.
Mức giá này cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với niên vụ 2014 - 2015.Tại Đồng Nai, một số nhà máy đã công bố giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ mới như Công ty CP Mía đường La Ngà (huyện Định Quán) thu mua tại ruộng từ 940.000 - 950.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường (CCS).
Cùng với các khoản trợ giá khác, giá mía tại nhà máy đạt gần 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn niên vụ trước khoảng 100.000 đồng/tấn.
Công ty CP Đường Biên Hòa cũng đã lên kế hoạch ép khoảng 230.000 tấn mía cây, sản xuất 21.000 tấn đường trong niên vụ 2015 - 2016.
Để thực hiện kế hoạch này, công ty đã đầu tư cho Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An 52 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo thu mua có lãi cho nông dân.
Theo đó, Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An triển khai thí điểm dự án cánh đồng mía lớn gần 53ha, trong đó nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, công chăm sóc, tư vấn kỹ thuật...
Nhờ đó, năng suất mía bình quân tại vùng này dự kiến đạt trên 90 tấn/ha, tăng gần gấp đôi niên vụ trước.
Vẫn lo bài toán nguyên liệu
Dù năm nay được giá ngay từ đầu vụ, nhà máy đường các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn canh cánh nỗi lo thiếu nguyên liệu, khi nông dân ngày càng hờ hững với cây mía.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, so với niên vụ 2014 - 2015, diện tích mía của tỉnh đã giảm hơn 40%, chỉ còn khoảng 9.300ha.
Tại các huyện trồng mía chính như Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu…, diện tích mía đã giảm từ 40 - 60%.
Bà Nguyễn Thị Thủy - hộ trồng mía tại xã Long Phước (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) cho biết, hiện mức đầu tư cho 1ha mía từ 50 – 60 triệu đồng.
Bà Thủy có 13ha mía đã ký hợp đồng tiêu thụ trong 3 năm với Nhà máy Đường Biên Hòa và trên 50ha hợp đồng với Nhà máy Đường Thành Thành Công.
Do đó, bà phải “bám” theo cây mía, dù chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng/ha.
“So với các cây trồng khác thì mức lãi này rất thấp.
Nếu không có ràng buộc với công ty và giá mía cứ thấp như những mùa trước chắc tui sẽ phá hết mía để trồng cây khác” - bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn của DN, nhưng nhiều năm qua ngành mía đường “sống thoi thóp” do vùng nguyên liệu ít được đầu tư, việc tính giá mía thiếu minh bạch cũng như việc chia sẻ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân chưa thỏa đáng..., khiến niềm tin giữa người nông dân và nhà máy đường bị ảnh hưởng nhiều.
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa cho biết công ty đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân có lợi nhuận cao nhất từ cây mía.
Sắp tới, công ty tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư thiết bị và hệ thống tưới mía để đảm bảo năng suất, chất lượng mía không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết khô hạn thất thường, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn cho cây mía…
Để hỗ trợ nông dân gắn bó với cây mía, tỉnh Tây Ninh đã có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với vùng trồng mía ở nơi đất thấp; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, tăng chữ đường và giảm giá thành.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ tay về tuyến kênh thủy lợi dài trên 800m được nạo vét trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nơi đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn, mấy chục năm nay việc canh tác của nông dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của con nước. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi này, nông dân trong ấp rất chủ động trong sản xuất”.

Là một trong những nông sản chủ lực của Hậu Giang, thế nhưng thời gian qua đầu ra của trái khóm còn khá bấp bênh, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở nội địa. Vì vậy, mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng cung cấp cho thị trường rất lớn, khó tiêu thụ, giá cả sụt giảm, khiến cho hiệu quả kinh tế không cao.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ khó khăn nên nhiều nhà vườn tại TP.HCM đã chuyển từ trồng mai sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng với Mã Văn Phương (khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lại khác, anh quyết bám nghề, và được mệnh danh là “phù thủy” trồng mai ghép.

Từ sự năng động, mạnh dạn cùng quyết tâm làm giàu, vợ chồng anh Nguyễn Công Minh và chị Hà Thị Hải ở thôn Nghĩa Xuân, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi thủy sản, đem lại doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng.

Chạy xe máy dọc theo tuyến quốc lộ 80 từ Ba Hòn (Kiên Lương) đến Mũi Nai (TX Hà Tiên) tôi không khỏi giật mình xót xa khi chứng kiến vạt rừng cây đước, cây mắm ven biển bị người dân chặt phá loang lổ để làm ao nuôi tôm.