Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng giá thu mua, nhà máy đường vẫn lo thiếu mía

Tăng giá thu mua, nhà máy đường vẫn lo thiếu mía
Ngày đăng: 24/11/2015

Nhiều doanh nghiệp (DN) mía đường cũng bắt đầu đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển cánh đồng nguyên liệu, chia sẻ lợi nhuận với bà con sau nhiều năm “mạnh ai nấy làm”.

Giá tốt từ đầu vụ

Giữa tháng 11.2015, mía nguyên liệu tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… được các DN thu mua với giá từ 940.000 - 960.000 đồng/tấn, chưa kể các khoản trợ giá, tiền thưởng...

cho nông dân.

Mức giá này cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với niên vụ 2014 - 2015.Tại Đồng Nai, một số nhà máy đã công bố giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ mới như Công ty CP Mía đường La Ngà (huyện Định Quán) thu mua tại ruộng từ 940.000 - 950.000 đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường (CCS).

Cùng với các khoản trợ giá khác, giá mía tại nhà máy đạt gần 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn niên vụ trước khoảng 100.000 đồng/tấn.

Công ty CP Đường Biên Hòa cũng đã lên kế hoạch ép khoảng 230.000 tấn mía cây, sản xuất 21.000 tấn đường trong niên vụ 2015 - 2016.

Để thực hiện kế hoạch này, công ty đã đầu tư cho Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An 52 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo thu mua có lãi cho nông dân.

Theo đó, Nhà máy Đường Biên Hòa - Trị An triển khai thí điểm dự án cánh đồng mía lớn gần 53ha, trong đó nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, công chăm sóc, tư vấn kỹ thuật...

Nhờ đó, năng suất mía bình quân tại vùng này dự kiến đạt trên 90 tấn/ha, tăng gần gấp đôi niên vụ trước.

Vẫn lo bài toán nguyên liệu

Dù năm nay được giá ngay từ đầu vụ, nhà máy đường các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn canh cánh nỗi lo thiếu nguyên liệu, khi nông dân ngày càng hờ hững với cây mía.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, so với niên vụ 2014 - 2015, diện tích mía của tỉnh đã giảm hơn 40%, chỉ còn khoảng 9.300ha.

Tại các huyện trồng mía chính như Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Châu…, diện tích mía đã giảm từ 40 - 60%.

Bà Nguyễn Thị Thủy - hộ trồng mía tại xã Long Phước (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) cho biết, hiện mức đầu tư cho 1ha mía từ 50 – 60 triệu đồng.

Bà Thủy có 13ha mía đã ký hợp đồng tiêu thụ trong 3 năm với Nhà máy Đường Biên Hòa và trên 50ha hợp đồng với Nhà máy Đường Thành Thành Công.

Do đó, bà phải “bám” theo cây mía, dù chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng/ha.

“So với các cây trồng khác thì mức lãi này rất thấp.

Nếu không có ràng buộc với công ty và giá mía cứ thấp như những mùa trước chắc tui sẽ phá hết mía để trồng cây khác” - bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn của DN, nhưng nhiều năm qua ngành mía đường “sống thoi thóp” do vùng nguyên liệu ít được đầu tư, việc tính giá mía thiếu minh bạch cũng như việc chia sẻ lợi nhuận giữa nhà máy và nông dân chưa thỏa đáng..., khiến niềm tin giữa người nông dân và nhà máy đường bị ảnh hưởng nhiều.

Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa cho biết công ty đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân có lợi nhuận cao nhất từ cây mía.

Sắp tới, công ty tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư thiết bị và hệ thống tưới mía để đảm bảo năng suất, chất lượng mía không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết khô hạn thất thường, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn cho cây mía…

Để hỗ trợ nông dân gắn bó với cây mía, tỉnh Tây Ninh đã có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với vùng trồng mía ở nơi đất thấp; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, tăng chữ đường và giảm giá thành.


Có thể bạn quan tâm

Lũ nhỏ nghề đặt lọp ếch thất thu Lũ nhỏ nghề đặt lọp ếch thất thu

Anh Phạm Lý Cai, ngụ ấp Tân Bình (xã Tành Đảnh, Tri Tôn, An Giang), cho biết, năm nay lũ nhỏ, nghề đặt lọp ếch bị thất thu.

03/11/2015
Phát triển kinh tế thuỷ sản: Giải bài toán đáp ứng đủ nhu cầu con giống Phát triển kinh tế thuỷ sản: Giải bài toán đáp ứng đủ nhu cầu con giống

Là tỉnh có nhiều diện tích và tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, những năm gần đây, nuôi trồng thuỷ sản ngày càng phát triển và trở thành lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh.

03/11/2015
Cầu nối cho doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL Cầu nối cho doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL

Bà Katharine Heather- Tổng Lãnh sự quán Australia vừa làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, bàn về khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành đánh bắt, chế biến thủy, hải sản của Australia cho các doanh nghiệp (DN) ĐBSCL.

03/11/2015
Hiệu quả từ mô hình áp dụng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra Hiệu quả từ mô hình áp dụng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra

Trong khi nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ phải treo ao, ngừng nuôi thì gia đình ông Nguyễn Văn Phú ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vẫn “sống khỏe” với mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.

03/11/2015
Cá chết hàng loạt không phải do vi rút gây ra Cá chết hàng loạt không phải do vi rút gây ra

Đó là báo cáo của Chi cục Thủy sản vào chiều ngày 28/10, tại kết quả xét nghiệm cá nuôi lồng tại xã Vĩnh Tân (Tuy Phong - Bình Thuận) bị chết hàng loạt thời gian qua.

03/11/2015