Tăng Diện Tích Trồng Chôm Chôm

Trong năm qua, sản lượng chôm chôm của xã Phú Phụng (Bến Tre) xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đạt hơn 15.000 tấn và giá cả cũng ổn định hơn…
Xã Phú Phụng trồng nhiều loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng và nhãn trên tổng diện tích 772ha, trong đó, nhiều nhất là chôm chôm (năm 2013 là 584ha, tăng 38ha so với năm 2010), bao gồm các loại chôm chôm đường, chôm chôm Java và chôm chôm Thái, tập trung ở các ấp Phụng Đức A, Phụng Đức B.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm: Hàng năm, số bà con trồng chôm chôm đều tăng lên, do nhiều người đã thôi trồng cây nhãn. Thị trường chôm chôm được mở rộng hơn, một số hộ xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đạt được kết quả này là do ông Võ Văn Hớn ở ấp Phụng Đức đã mạnh dạn đầu tư để xuất khẩu chôm chôm đi nước ngoài.
Ông Hớn kể lại: Trước đây, có đứa cháu sống ở nước ngoài, thấy giá chôm chôm được chứng nhận GlobalGAP bán cao gấp nhiều lần so với chôm chôm thường, dù chất lượng cũng tương đương.
Ông nhờ người hướng dẫn để vườn chôm chôm của mình đạt được giấy chứng nhận sản phẩm sạch và xuất khẩu đi nước ngoài. Để đạt được như vậy, nhà vườn phải tuân thủ các yêu cầu để có sản phẩm sạch và thuốc bảo vệ thực vật ít, cách ly ngày bón phân với thu hoạch, vườn nước sạch và không được chăn nuôi trong vườn…
Sau một năm, vườn chôm chôm của ông được chứng nhận và xuất khẩu đi các nước. Mỗi lần ông bán khoảng 600kg, mỗi tháng bán từ 3 đến 4 lần. Để nhiều người trồng chôm chôm được hưởng lợi, ông Hớn đã mở cơ sở thu mua sản phẩm của một số bà con ở trong xóm đã có chứng nhận để xuất khẩu.
Để đạt được sản lượng và chất lượng cao, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Sản phẩm bán ra luôn hút hàng nên ông xử lý cho cho trái nghịch vụ, trong đó khâu kỹ thuật chăm sóc rất quan trọng.
Sau khi thu hoạch, chủ vườn phải cắt cành, tỉa nhánh; sau 5 tháng, khi cây có 3 lần tược thì chuẩn bị đậy mủ (tấm nhựa) và bao nước cho khô; đến khi bông ra đều rồi cho nước vô, rải phân, giữ cho khô để đậu trái. Như vậy, mỗi héc-ta, hàng năm thu hoạch từ 3-4 tấn trái. Với 6,4ha đất (3ha thuê, 3,4ha đất nhà), mỗi năm, ông thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Đến nay, do tuổi cao, ông Hớn đã chuyển việc thu mua và xuất khẩu cho con cháu nhưng vẫn đứng ra hướng dẫn kỹ thuật trồng và cách cho trái vụ nghịch. Đạt được thành công, ông luôn hỗ trợ những hộ nghèo, khó khăn trong các xã và huyện trong công tác xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa và đóng góp cho bếp ăn từ thiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Trong năm qua, đời sống kinh tế của bà con trong xã dần được nâng lên, thu nhập bình quân là 25 triệu đồng/người/năm và phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng/người/năm. Hiện xã đang lập hồ sơ xin tái chứng nhận GlobalGAP.
Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập 8 tổ liên kết sản xuất chôm chôm với diện tích 80ha. Năm 2014, UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn đầu tư thành lập 2 tổ liên kết sản xuất chôm chôm VietGAP ở ấp Phụng Đức A và Phụng Đức B, với khoảng 40ha và định hướng đến năm 2015 sẽ thành lập ở 40ha còn lại.
Có thể bạn quan tâm

Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...

Đó là nội dung chủ đạo được đặt ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức sáng nay (26/9) tại Hà Nội.

Phòng NN & PTNT huyện Điện Biên vừa phối hợp với UBND xã Thanh Hưng, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên và Viện Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ sản xuất giống lúa Hương Việt 3 tại xã Thanh Hưng.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu các hộ chăn nuôi ở địa phương, tháng 5/2014, từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất gà giống thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc”.

Chuyển biến tích cực đó là nhờ chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ. Người dân Mường Pồn đều ý thức được việc giữ rừng để hưởng lợi từ rừng.