Tăng Cường Xúc Tiến Tiêu Thụ Nông Sản Xuất Khẩu

Ngày 5-12, tại thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), Sở Công thương Bắc Giang tổ chức buổi làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) về kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh dự buổi làm việc.
Tại đây, đại diện phía tỉnh cho biết, năm 2014, diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 32 nghìn ha với sản lượng khoảng 190 nghìn tấn. Trong đó, vải thiều trồng theo quy trình VietGAP là 8.500 ha với sản lượng 40 nghìn tấn (chủ yếu tại huyện Lục Ngạn).
Năm 2015, tỉnh dự kiến phát triển 100 ha vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho sản lượng khoảng 600 tấn. Đối với cây gấc, diện tích trồng đạt gần 200 ha với sản lượng khoảng 1 nghìn tấn tập trung tại một số huyện như: Việt Yên, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa...
Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 25 nghìn ha các loại rau cho sản lượng hơn 340 nghìn tấn. Trong đó, diện tích rau chế biến để xuất khẩu như: cà chua, ngô ngọt, cà rốt, dưa chuột... có sản lượng hơn 32 nghìn tấn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có một số đặc sản có chất lượng tốt như: Cam đường canh, dứa, bưởi ... Tuy nhiên, do chưa chủ động thị trường tiêu thụ nên các hộ nông dân trên địa bàn vẫn chưa yên tâm đầu tư lớn để mở rống sản xuất. Tình trạng “được mùa giá thấp, mất mùa giá cao” vẫn xảy ra.
Các thương nhân làm đầu mối thu mua còn ít, số lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng, liên kết chuỗi còn thấp so với năng lực sản xuất của tỉnh...
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, kinh doanh rau quả thực phẩm, có mô hình sản xuất khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ rau an toàn, thực phẩm sạch với công suất 25 nghìn tấn sản phẩm/năm. DN đã có thị trường xuất khẩu ổn định tại: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu gần 13 triệu USD. Sản phẩm chính của Công ty là vải nguyên quả đông lạnh, vải hộp, ngô ngọt...
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang có thể tính toán giao một vùng vải thiều riêng cho Công ty để trực tiếp chỉ đạo sản xuất với sản lượng khoảng 5 nghìn tấn tại Tân Yên và Lục Ngạn. Công ty cam kết ký hợp đồng mua sản phẩm với giá cao hơn ít nhất 5% so với giá thị trường theo từng thời điểm.
Đồng thời, đơn vị muốn ký kết thêm một vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 500 ha trồng ngô ngọt chế biến để xuất khẩu mỗi vụ tại Tân Yên và Hiệp Hòa. DN sẽ cung cấp giống, kỹ thuật với điều kiện các hộ gia đình phải tuân thủ nghiêm các quy định về thời gian, cách phun thuốc bảo vật thực vật... Cùng đó, ngành chức năng cũng tạo điều kiện để đơn vị ký hợp đồng với các hộ dân trồng 100 ha rau xuất khẩu (chủ yếu là rau chân vịt và các loại hành, đậu) tại Lục Nam...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh mong muốn Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sớm có kế hoạch liên kết sản xuất nông sản xuất khẩu với nông dân của tỉnh. Đồng thời, đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan tính toán quy hoạch vùng nguyên liệu: Vải thiều, đậu, rau chế biến... theo đề nghị của DN tại địa phương cho phù hợp.
Ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn quy trình sản xuất cho bà con nông dân đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngành công thương tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá nông sản Bắc Giang thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế. Các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất với huyện, thành phố, HTX.
Cùng đó, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng cần quan tâm, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều, nông sản tươi của Bắc Giang vào một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật...
Nguồn bài viết: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/134900/tang-cuong-xuc-tien-tieu-thu-nong-san-xuat-khau.html
Có thể bạn quan tâm

Sau Tết Nguyên đán, nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) rất phấn khởi vì mô hình sản xuất trồng lúa kết hợp với nuôi cá phát triển tốt, ước lợi nhuận sản xuất sẽ tăng gấp đôi so với sản xuất chỉ có cây lúa trước đây.

Ngày 16-2, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Phú Yên công bố việc đăng cai tổ chức Festival thủy sản Việt Nam 2014. Theo đó, Festival sẽ diễn ra từ ngày 28-3 đến 2-4-2014 tại tỉnh Phú Yên với chủ đề "Thủy sản Việt Nam - hội nhập và phát triển". Sự kiện nổi bật trong Festival là Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2014) và 29 năm Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên.

Đó là khẳng định của ông Mai Anh Tuấn, quyền Giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC), Chi nhánh Cần Thơ, tại hội nghị “Phát triển kênh phân phối kết hợp Ngân hàng - Bảo hiểm khu vực ĐBSCL” diễn ra vào ngày 1-11. Ông Tuấn nhìn nhận: Loại hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đang khó triển khai tại ĐBSCL.

Cơ quan chức năng bước đầu xác định, 23 con rắn hổ mang chúa mà Khanh vận chuyển đều là rắn tự nhiên, bị săn bắt từ khu vực phía Nam nước ta.

Phát triển chăn nuôi heo là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, cần thiết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tập tục nuôi heo thả rông của đồng bào đã gây nên những hệ lụy xấu, cần phải thay đổi…