Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản

Năm 2013, trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Nam Định vẫn tiếp tục phát triển cả về quy mô và sản lượng thủy sản. Có được kết quả đó là do công tác phổ biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt coi trọng.
Công tác thú y thủy sản được củng cố, tổ chức và duy trì ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng trong hoạt động NTTS đã dần đi vào nền nếp.
Công tác vệ sinh thú y của các trại giống, các cơ sở kinh doanh thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học thủy sản được tăng cường. Ngay từ đầu vụ nuôi, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) đã chủ động phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, Thanh tra Sở NN và PTNT thực hiện thanh tra, kiểm tra đánh giá định kỳ 12 cơ sở kinh doanh giống thủy sản, 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư thủy sản, 40 cơ sở NTTS thâm canh. Kết quả cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, vệ sinh thủy sản và vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản vẫn còn hiện tượng ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh sản phẩm chưa được phép lưu hành, quá hạn sử dụng…; người trực tiếp bán hàng không có chứng chỉ hành nghề thú y thủy sản. Nhiều cơ sở NTTS thâm canh không đảm bảo các điều kiện theo quy định như chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, hồ sơ lưu trữ về quá trình sản xuất, kinh doanh… Đoàn kiểm tra đã yêu các cơ sở khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế.
Cùng với công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các trại giống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học thủy sản, Ban Quản lý (BQL) Giống thủy sản (Sở NN và PTNT) đã bám sát địa bàn, chủ động kiểm soát nguồn giống nhập về tỉnh. Ngoài số lượng giống sản xuất trong tỉnh, các địa phương đã nhập gần 70 triệu con tôm sú P15, 800 triệu con tôm thẻ chân trắng P15, 103 vạn con cá vược, 87 vạn con cá song, 100 vạn con cá diêu hồng, 195 vạn con cá lóc bông…
Nhờ đó, các giống thủy sản nhập về tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, các giống nuôi chính như tôm sú, tôm thẻ chân trắng kiểm tra được từ 85-90% giống nhập. Ngoài ra, BQL Giống thuỷ sản cùng với Ban chỉ đạo kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ của tỉnh phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện quy chế quản lý kiểm soát vùng nuôi ngao, chỉ đạo và khuyến cáo hộ nuôi nhuyễn thể thu hoạch hợp lý sản phẩm bảo đảm có đủ lượng con giống bố mẹ để tái tạo nguồn giống tự nhiên, không khai thác con giống quá nhỏ (ngao cám), do đó nguồn giống tự nhiên khai thác tại chỗ đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về giống cho nuôi thả. Để nâng cao nhận thức của người nuôi thủy sản, Chi cục QLCLNLTS đã đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cơ sở và trong nhân dân.
Chất lượng hoạt động xét nghiệm, kiểm dịch, tư vấn phương pháp chọn giống cho người nuôi chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin trong nhân dân. Năm 2013, Chi cục QLCLNLTS thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức lấy 138 mẫu nước vùng nuôi nhuyễn thể, 69 mẫu nhuyễn thể, 74 mẫu thủy sản nuôi, 30 mẫu thủy sản sau thu hoạch để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP; phát hiện có 2 mẫu thủy sản sau thu hoạch bị nhiễm vi sinh.
Chi cục đã kịp thời cảnh báo tới các cơ quan quản lý địa phương và các hộ nuôi, đồng thời hướng dẫn các biện pháp khắc phục đối với vùng có mẫu kiểm tra bị nhiễm. Thực hiện chương trình giám sát quốc gia về ATVSTP thủy sản của tỉnh, Chi cục QLCLNLTS đã xây dựng chương trình “Truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm thủy sản”; giám sát và cấp 337 giấy chứng nhận xuất xứ cho 10.200 tấn ngao.
Công tác thú y thuỷ sản đi vào hoạt động ổn định, dịch bệnh ở tôm sú được kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả bệnh Taura trên tôm thẻ chân trắng, đã bổ sung kinh nghiệm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho các đối tượng nuôi chính trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư và Phòng NTTS (Sở NN và PTNT) phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn cho nông, ngư dân về các đối tượng nuôi mới, quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, sạch, hiệu quả và bền vững theo quy trình VietGAP. Hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho người nuôi về khung thời vụ thả giống tốt nhất, quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi.
Theo dõi, nắm bắt tình hình cải tạo ao đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả để có biện pháp hướng dẫn, can thiệp kỹ thuật kịp thời bảo đảm chất lượng nuôi ngay từ đầu vụ. Do chủ động làm tốt công tác thú y thủy sản nên bệnh dịch trên các đối tượng thuỷ sản nuôi ở tỉnh ta đã được kiểm soát và khống chế hiệu quả, giúp cho lĩnh vực NTTS từng bước đi vào nền nếp, khoa học và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường và dịch bệnh NTTS; rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi. BQL Giống thủy sản tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất, đáp ứng đầy đủ nguồn giống thủy sản chất lượng tốt cho nhu cầu nuôi thả của nhân dân; sớm xác định bộ giống chủ lực trong NTTS, dần chủ động về số lượng và chủng loại giống đảm bảo chất lượng. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc nhập tôm bố mẹ và tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng nhập vào tỉnh, phấn đấu kiểm soát 100%; từng bước kiểm soát chất lượng và kiểm dịch đàn cá bố mẹ, cua biển, các giống lưỡng cư và nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh giống thủy sản, nuôi trồng, thu mua, vận chuyển thủy sản chủ động phối hợp để thu mẫu xét nghiệm bệnh nhằm phát hiện để ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản trong tỉnh. Chi cục QLCLNLTS, Chi cục Thú y phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các trại sản xuất giống, các cơ sở kinh doanh con giống, thức ăn, hóa chất…
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp NTTS tự giác áp dụng quy chế vùng nuôi an toàn. Xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát, nuôi theo các tiêu chuẩn GaqP, GMP, GlobalGAP đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá rô phi…
Có thể bạn quan tâm

Trong khi nhiều người nuôi lợn đã giảm quy mô hoặc chuyển nghề thì các xã viên HTX Chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách - Hải Dương) vẫn ổn định sản xuất và có lãi.

Tỉnh Tiền Giang xác định bưởi nằm trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần đầu tư phát triển. Địa phương đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 4.700 ha trồng các giống bưởi chất lượng cao: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò mỗi năm cho sản lượng khoảng 80.000 tấn quả cung ứng thị trường. Diện tích trên tập trung nhiều nhất tại các huyện phía Tây: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

Nuôi chim bồ câu Pháp rất đơn giản, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả cao. Hiện mô hình này đang được bà con nông xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) thực hiện và nhân rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều - Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tôi đã làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, song trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện.

Canh tác 6 héc - ta lúa nằm trong vùng đê bao Vĩnh Thuận, ông Phan Thành Phương (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành - An Giang) cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chưa xả lũ lần nào nhưng lại sản xuất liên tiếp 3 vụ lúa mỗi năm, không xả lũ lấy phù sa màu mỡ và rửa trôi các mầm bệnh còn tích trữ trong đất, nguy cơ làm phát sinh dịch hại trên lúa khó tránh khỏi. Đất nghèo dinh dưỡng nên phải bón nhiều phân hóa học mới giữ được năng suất lúa. Mỗi héc-ta lúa bón khoảng 400 - 450 kg phân các loại/vụ, còn vài năm trở lại đây phải tăng từ 500 kg phân bón/héc - ta trở lên, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, bón nhiều phân Kali để cải tạo đất lâu năm chưa phơi ải, giúp bộ rễ cây lúa phát triển, hạn chế đổ ngã, giằn phèn”.