Tăng Cường Kiểm Soát Giống Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Trong thời gian qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều vùng nuôi ở các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hóa... cho thu nhập 100-200 triệu đồng/ha.
Hiện nay, diện tích chuyên NTTS ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh là 18.050 ha, trong đó, nuôi nước ngọt 10.350 ha; nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha. Để hoạt động NTTS của người dân đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ nuôi ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Quan tâm việc quản lý sản xuất và cung ứng giống nhập vào địa bàn tỉnh. Sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát triển cả ở vùng nuôi nước ngọt và nước lợ. Ngoài các đối tượng con nuôi truyền thống, các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã sinh sản nhân tạo được nhiều đối tượng mới. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở và các hộ sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được thực hiện thường xuyên.
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra và xử lý 15 hộ, cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản vi phạm về tiêu chuẩn, đăng ký kinh doanh giống thủy sản. Tổ chức thanh tra trên diện rộng với 75 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thú y thủy sản, phát hiện và xử lý 7 cơ sở vi phạm về chất lượng và kinh doanh không đúng ngành nghề kinh doanh. Theo đó, công tác phòng trừ dịch bệnh trong NTTS tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người nuôi kiểm tra, chọn giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số giống mới, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi tôm. Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Thanh Hóa nghiên cứu, sản xuất các loại giống mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao chuyển giao cho các hộ nuôi.
Nhờ đó, NTTS 10 tháng năm 2014 ổn định, năng suất và sản lượng nuôi đạt khá trên tất cả các loại hình nuôi, đối tượng nuôi. Sản lượng ước đạt 36.626 tấn, đạt 79,62% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó: nuôi mặn 10.491 tấn; nuôi lợ 5.028 tấn; nuôi ngọt 21.107 tấn.
Những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu phù hợp với quy hoạch, điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước của từng vùng.
Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giống và NTTS. Các ngành liên quan phối hợp với các địa phương làm tốt công tác khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật cho nông, ngư dân. Hướng dẫn người dân xây dựng vùng nuôi an toàn, mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi theo quy trình VietGap...
Nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác NTTS theo cộng đồng để cùng nhau quản lý tốt sản xuất, quản lý môi trường bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Quản lý thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm, xử lý môi trường nuôi thủy sản. Định kỳ thu mẫu nước các vùng NTTS phân tích các chỉ tiêu về môi trường và đưa ra các cảnh báo để người nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh.
Nguồn bài viết: http://www.baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n131673/Tang-cuong-kiem-soat-giong-trong-nuoi-trong-thuy-san
Có thể bạn quan tâm

Mỗi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bắt tay vào sên vét ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Thế nhưng, cứ đến mùa sên vét lại xảy ra bao nỗi lo về kiểm soát dịch bệnh, bởi lịch sên vét ao đầm vẫn chưa được thống nhất, quá nhiều bất cập, khiến vấn đề này cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra.

Tại một số vựa thu mua ốc bươu vàng ở huyện Long Mỹ và Vị Thủy (Hậu Giang), hiện giá ốc bươu vàng làm sạch ruột có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 2.000 so với cùng kỳ năm 2013. Trung bình mỗi vựa thu mua được trên 5 tấn ốc/ngày.

Tham dự buổi tập huấn có gần 120 học viên là nông dân chuyên ương, nuôi cá tra; thành viên câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản VietGAP; hợp tác xã và các công ty, doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh.

Huyện Trà Cú, là địa bàn có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất nhất tỉnh Trà Vinh với diện tích hơn 1.200 ha. Hiện nay, do hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá lóc chưa hoàn chỉnh nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không được thả nuôi ổ ạt, tránh ô nhiễm môi trường.

Thực hiện dự án phát triển ngành nghề sản xuất theo chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân (An Giang) vừa tổ chức hội thảo mô hình Nuôi cá tra BMP. Bà con nông dân được nghe báo cáo quy trình thực hiện mô hình Nuôi cá tra BMP và tham quan thực tế mô hình của nông dân Trần Hữu Nghĩa, ngụ ấp Hoà Lợi, xã Phú Hiệp.