Tăng Cường Hợp Tác Khai Thác Hải Sản Với Các Nước Trong Khu Vực

Là nội dung chỉ đạo đáng chú ý được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2013, diễn ra sáng 14-10 tại UBND tỉnh Kiên Giang.
Ông Đào Hồng Đức – Cục trưởng Cục khai thác – bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bộ NN&PTNT – cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá dầu tăng, thời tiết bất thường với 10 cơn bão từ đầu năm đến nay…, nhưng kết quả khai thác cá vụ Nam vẫn khá tốt. Tổng sản lượng khai thác đạt 1.533 tấn, vượt kế hoạch 4,24%. Nhiều tỉnh/thành có kết quả khai thác tăng cao, như: Bình Thuận, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Kiên Giang, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Theo ông Đức, nguyên nhân khai thác cá vụ Nam 2013 thắng lợi là nhờ các địa phương đã phát huy tối đa năng lực của đội tàu đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ chức sản xuất thành tổ/đội hợp tác trên biển và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật hiện đại cũng đã được ngư dân mạnh dạn áp dụng, điển hình là: Công nghệ bảo quản sau khai thác bằng hầm lạnh sâu, khai thác bằng lồng bẫy, câu cá ngừ đại dương, hệ thống liên lạc vệ tinh MOVIMAR, bản tin dự báo ngư trường…
Ông Trần Chí Viễn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho hay Kiên Giang là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức cho ngư dân ký hợp đồng đánh cá hợp pháp tại ngư trường Indonesia với tiềm năng còn rất dồi dào.
Theo ông Viễn, sau chuyến ra khơi đầu tiên (khởi hành ngày 30-8-2013), cả tám tàu cá của hai ngư dân Kiên Giang đều cho kết quả rất khả quan, dù thời gian đánh bắt chỉ vỏn vẹn khoảng 10 ngày (thay vì 20 ngày, do trục trặc về thủ tục đăng kiểm). Ước tính sơ bộ mỗi cặp tàu cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao nỗ lực của bộ, ngành, địa phương trong việc giúp ngư dân phòng, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Cũng như đánh giá cao các mô hình tổ chức sản xuất mang tính tập thể, bởi điều này sẽ giúp ngư dân bám biển bền vững hơn.
“Đối với kế hoạch khai thác cá vụ Bắc 2013-2014, tôi yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương nắm sát thực tiễn, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, cũng như các đề án, mô hình giúp ngư dân an tâm bám biển. Nâng cao năng lực cũng như tầng suất dự báo ngư trường để cung cấp thông tin cho ngư dân. Sớm triển khai Quỹ tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, mà Kiên Giang sẽ là một trong những địa phương được chọn để thí điểm. Thời gian tới, cần tăng cường đưa tàu cá đi khai thác hợp pháp tại các ngư trường quốc tế, trước mắt là sang các nước láng giềng để tránh tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám – nói.
Có thể bạn quan tâm

Đặc biệt với nghề khai thác cá ngừ, tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đã phát triển, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu chính ở khu vực miền Trung và cả nước. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến liên hệ và đặt vấn đề liên kết để khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.

Theo người dân nuôi nghêu ở xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), hiện tượng nghêu chết ở vùng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm để cứu nghêu, nhưng không có hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong tháng 2 năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 381 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đưa tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 793.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác là 436.000 tấn, tăng 4,1%, nuôi trồng 331.000 tấn, tăng 2,3%.

Với gần 20 bể, diện tích gần 200m2, thời gian trước bình quân mỗi năm gia đình ông xuất hai lứa hơn 20 tấn cá. Trừ các khoản chi phí, như thức ăn, giống... gia đình ông thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Gần 2 năm nay, việc đưa cá ra thị trường gặp khó khăn. Hiện tại gia đình ông còn đọng hơn 3 tấn cá đang thời kỳ thu hoạch.

Ông Trương Thanh Mai (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) xuất thân từ gia đình làm ruộng, nghèo. Do vậy, từ nhỏ, cậu bé Mai đã luôn ôm mộng làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều trăn trở với đủ nghề để mưu sinh từ chăn nuôi heo, xay cà phê, làm thùng suốt lúa… ông Mai cho ra đời nhà máy xay xát lúa. Song, cuối cùng, ông Mai lại thành công với nghề nuôi cá sấu.