Tăng Cường Công Tác Phòng Chống Dịch Lợn Tai Xanh

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên địa bàn 43 xã, phường thuộc 10 huyện, thị của 3 tỉnh là: Lào Cai, Điện Biên và Yên Bái làm hơn 8,3 nghìn lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu huỷ là 5.165 con. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã công bố hết dịch, nhưng dịch đang xảy ra nặng ở các tỉnh Điện Biên, Yên Bái và đang có chiều hướng lây lan với tốc độ nhanh; nguy cơ dịch lây lan diện rộng là rất lớn.
Nguyên nhân chính để xảy ra dịch và lây lan rộng là do các địa phương không phát hiện, khai báo dịch kịp thời, có địa phương đã giấu dịch, lợn mắc bệnh không được tiêu hủy ngay, có nơi bán chạy, vận chuyển lợn bệnh đi nơi khác.
Để khống chế nhanh và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan, ngày 05/04/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã ký công điện khẩn số 06/CĐ-BNN-TY gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện việc tăng cường công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh. Bộ trưởng yêu cầu:
1. Đối với tỉnh đang có dịch
Tập trung mọi lực lượng bao vây dập tắt dịch, không để dịch lan rộng; củng cố và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; quản lý ổ dịch, cấm vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn mắc bệnh ra ngoài ổ dịch; cho phép giết mổ lợn khỏe mạnh trong vùng dịch để tiêu thụ tại chỗ tại các cơ sở giết mổ được chỉ định và có sự giám sát của cơ quan thú y; nhanh chóng tiêu hủy lợn mắc bệnh nặng, không có khả năng hồi phục; vệ sinh tiêu độc khử trùng nơi có dịch và môi trường xung quanh; tiêm phòng vắc xin tai xanh bao vây ổ dịch theo Công văn số 1857/TY- DT ngày 25 tháng 10 năm 2011 về việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tai xanh.
2. Đối với tỉnh chưa có dịch
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch; quản lý việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin tai xanh và các bệnh phổ biến trên lợn như: bệnh tụ huyết trùng, bệnh dịch tả, bệnh phó thương hàn; đặc biệt rà soát và tổ chức tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn được hỗ trợ theo Quyết định 1791/QĐ - TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hoá chất, kinh phí để chủ động phòng chống dịch khi có dịch xảy ra, trước mắt hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức về sự nguy hại của bệnh; vận động thực hiện: không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh và sản phẩm của lợn bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vận chuyển lợn bị bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn chết bừa bãi.
- Khi có ổ dịch xảy ra, áp dụng các biện pháp quyết liệt theo Quyết định số 80/2008/BNN-TY ngày 15/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định phòng, chống Hội chứng rối loại sinh sản và hô hấp ở lợn - bệnh tai xanh như: tiêu huỷ ngay lợn chết, lợn bệnh đối với ổ dịch đầu tiên, công bố dịch, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài nơi có dịch, sử dụng vắc xin tai xanh tiêm phòng bao vây ổ dịch, không để dịch lan rộng và lây lan sang các địa phương khác. Xử lý bắt buộc đối với lợn bệnh, chết bằng cách: lợn chết phải chôn, lợn bệnh có thể xử lý nhiệt bằng cách đun sôi chín, sản phẩm đã xử lý nhiệt có thể làm thức ăn cho gia súc, thuỷ sản, những sản phẩm không qua xử lý nhiệt phải chôn, sau đó phải vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ với sự giám chặt chẽ của cơ quan thú y. Đối với lợn xử lý bắt buộc vẫn được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; nhanh chóng công khai chính sách hỗ trợ để tránh tình trạng giấu dịch hoặc tiêu hủy quá nhiều.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Khi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, tác nhân gây bệnh tôm vẫn chưa được xác định, thì ngay tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng, vẫn có những mô hình nuôi tôm rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công này là những bài học kinh nghiệm quý báu, là chỗ dựa của người nuôi tôm thêm vững tin bước vào vụ nuôi 2013.

Giai đoạn 2009-2012, xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới - An Giang) chuyển đổi 177 héc-ta đất lúa sang trồng rau màu và lập vườn cây ăn trái, đưa chỉ số diện tích rau màu tăng gấp đôi và giá trị sử dụng vòng quay của đất lên 4,13 lần/năm, góp phần đảm bảo thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Năm 2012, sản xuất nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là nuôi tôm nước lợ, làm ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh là 5.052 ha đạt 98% so KH (riêng diện tích nuôi mặn lợ 1.532 ha); sản lượng nuôi thủy sản đạt 9.510 tấn (nuôi mặn lợ sản lượng 4.300 tấn).

Chưa năm nào người nuôi tôm lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay. Chọn nuôi con tôm thẻ hay con tôm sú? Đó là vấn đề thật sự làm nhiều người đau đầu. Nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì quá liều lĩnh, vì đây là đối tượng nuôi mới và mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư rất nhiều.