Tăng cường chống dịch trên gia súc, gia cầm
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đặc biệt, các địa phương đang có ổ dịch chú trọng quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ động vật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh;
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật nhiễm mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.
Đồng thời thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh ra ngoài vùng có ổ dịch;
Tiến hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông đi qua khu vực có ổ dịch.
Bên cạnh tăng cường công tác tiêm phòng vaccine, các địa phương cũng phải tăng cường giám sát lâm sàng, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời, áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt, dập tắt nhanh ổ dịch khi dịch còn ở diện hẹp.
Ngoài ra, chủ động triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Các tỉnh biên giới chú trọng công tác phòng, chống nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.
Các Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành rà soát, bổ sung kinh phí đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong năm 2015; đồng thời khẩn trương xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2016 và gửi về Bộ NN&PTNT trước ngày 31/10.
Thời gian vừa qua, bệnh cúm gia cầm H5N1 và H5N6 vẫn tiếp tục xảy ra rải rác trên đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ tại một số địa phương.
Kết quả giám sát chủ động cho thấy virus H5N1 lưu hành rộng rãi trong đàn thủy cầm, một số mẫu giám sát phát hiện có virus H5N6.
Do đó, nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm là rất cao, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa ở miền Bắc và miền Trung, mưa lũ ở miền Nam như hiện nay.
Kết quả giám sát chủ động bệnh lở mồm long móng tại 11 tỉnh cho kết quả 17,97% mẫu xét nghiệm dương tính với kháng thể tự nhiên và 3,29% mẫu xét nghiệm có virus lở mồm long móng.
Riêng trong tháng 9, toàn quốc đã phát hiện 8 ổ dịch lở mồm long móng type O và 3 ổ dịch type A của 7 tỉnh thuộc 6 vùng.
Cá biệt đã phát hiện cơ sở giết mổ lợn bị mắc bệnh lở mồm long móng để đưa đi tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm

“Cuộc chiến” tranh giành mua mía căng thẳng đến mức có doanh nghiệp phải năn nỉ doanh nghiệp khác đừng đến địa bàn của mình mua mía.

Sau thông tin về “con gà cõng 14 loại phí, lệ phí”, “con lợn gánh hơn 50 loại phí, lệ phí”, “giấy phép vận chuyển trứng chỉ có hiệu lực 1 ngày”..., Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rà soát và “cắt bỏ hết những phiền hà trong thẩm quyền của bộ”.

Hiện nay bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê 2015-2016 với tâm lý buồn rầu.

Câu chuyện thực tế của trái thanh long Việt Nam và những chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cho thấy những điểm yếu “cốt lõi” của ngành nông nghiệp Việt Nam: Quá nhiều, quá nguy hiểm.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2014, mặt hàng điều lại tăng trưởng khả quan.