Tận Diệt Thủy Sản Bằng Rọ Lồng

Tình trạng ngư dân dùng rọ lồng nhập từ Trung Quốc tận diệt các loài thủy sản ở các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bến Ván... đang ngày càng phổ biến, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Rọ lồng (hay còn gọi lưới bóng lồng) là loại lưới bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là những cái lồng bằng lưới hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lờ) để các loài thủy sinh chui vào và không có đường ra. Ở các làng chài thuộc các xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Nam, Tam Giang... (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có hàng trăm hộ ngư dân hành nghề rọ lồng. Mỗi cái rọ dài chừng 50cm và mỗi hộ ngư dân có đến hàng trăm rọ lồng nối với nhau thành hệ thống, giăng trải dài hàng cây số dưới đáy sông. Khắp các lòng sông rạch từ thượng nguồn đến hạ lưu đều bị rọ lồng vây chặt, các loại cá tôm, cua đến cá chình, lươn, lạch... đều không còn đường kiếm ăn và đều có thể chui vào rọ lồng.
Chiều chiều trên những chiếc ghe lớn, ngư dân lại đi giăng rọ lồng và đến sáng lại thu hoạch với nhiều loại tôm, cua, cá đủ kích cỡ, nào là cá cồi, cá rằn, cá sặc, cá hanh có trọng lượng từ 0,5kg trở lên đến những con tép, cá bống, cá móm mới mở mắt chưa bằng nửa đầu đũa con. Tận diệt các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ, mỗi chủ rọ lồng thu tiền triệu hàng đêm mà chẳng tốn công sức gì nhiều... Ông Hồ Văn Cường, ngư dân xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) than thở: “Khổ lắm anh ơi! Rọ lồng này phần lưới bao quanh rất dày nên nó vơ vét được từng con tép, con cá nhỏ xíu. Rọ lồng bắt sạch các loại cá tôm thì làm nghề lưới 3 lớp, rớ đáy truyền thống như chúng tôi biết lấy gì mà ăn?”. Còn ông Lê Minh Hải, một ngư dân chuyên làm nghề lưới kéo khai thác cá móm trên sông Trường Giang (khu vực Tam Tiến, Tam Hải, Tam Hòa, huyện Núi Thành) thì lo lắng: “Mấy năm gần đây lượng cá móm sụt giảm mạnh. Nhiều loại cá, tôm trên sông cũng giảm hẳn. Đây là do rọ lồng hủy diệt hết các loại cá, tôm nhỏ trên sông. Bà con chúng tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn”.
Cùng với nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện, hiện nay với hàng nghìn rọ lồng có mắt lưới dày trải dài hàng trăm cây số dọc hai bên bờ các con sông lớn ở Tam Kỳ và Núi Thành hàng đêm đang hủy diệt tận gốc các loài thủy sản. Thực tế cho thấy gần đây một số loài thủy sản trên sông Trường Giang, Tam Kỳ giảm như cá móm, tôm đất, cua... mà theo ngư dân là do rọ lồng tiêu diệt hết con giống. Việc ngư dân sử dụng bừa bãi và tràn lan rọ lồng bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản ven bờ và gây bức xúc trong dư luận quần chúng, nhất là những ngư dân làm nghề lưới truyền thống. Người dân đang mong chờ các ngành chức năng vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng rọ lồng bát quái hoành hành trên sông.
Có thể bạn quan tâm

Người chăn nuôi chưa kịp khôi phục lại đàn lợn do tin đồn về dịch tai xanh, bây giờ lại lao đao với thông tin về chất tạo nạc.

Thôn Định Thắng, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có 13 hộ dân. Trong đó đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, đông con quanh năm sống trong nhà tranh vách đất

Tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nguồn lao động dồi dào, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng nấm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân

Trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nhưng nhờ biết tận dụng tối đa diện tích đất bằng các biện pháp trồng xen, nuôi xen đã giúp cho nhiều hộ nông dân tăng nguồn thu nhập đáng kể. Nông dân sản xuất giỏi được nhiều người biết đến đó là ông Uông Thành Nam ở ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những hộ nông dân áp dụng thành công mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn dừa kết hợp với trồng bưởi da xanh và nuôi ba ba lợi nhuận từ 4 công vườn đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cây dưa hấu không ít lần khiến nhiều hộ dân ở Bình Định đổ nước mắt, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản vì thua lỗ. Sự phát triển ào ạt của dưa hấu không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.