Tâm tư của vua tôm Minh Phú

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến 15-9, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 1,9 tỉ USD, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá trị xuất khẩu của Minh Phú đạt 371,6 triệu USD, giảm 29,66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành tôm thì giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ tới 47,9%, Nhật giảm 20% và châu Âu giảm 18,5%.
Vì sao có sự sụt giảm “thê thảm” này?
Ông Lê Văn Quang
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Phú, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm của công ty đạt trên 406 triệu USD chiếm 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước và giảm 47,9% do kết quả vụ kiện chống bán phá giá tôm POR8 với mức thuế quá cao (6,37%).
Nhưng một yếu tố làm “đau đầu” các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm, thủy sản Việt Nam là tỉ giá.
Do đồng tiền các nước từ đầu năm đến nay giảm giá rất mạnh, nhất là những đối thủ trực tiếp của Việt Nam cùng xuất khẩu vào Mỹ như Indonesia đồng Rupiad giảm tới 42% và đồng Rupee của Ấn Độ mất giá 20%.
“Kết quả là tôm của các nước này bán vào Mỹ...
rẻ không tưởng tượng nổi! Tính toán của DN, tôm Việt Nam xuất khẩu đang có giá đắt hơn trên 20% so với tôm từ Indonesia và Ấn Độ.
Sức cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường Nhật và châu Âu cũng giảm đáng kể vì vấn đề tỉ giá.
Với tình hình này thì những tháng cuối năm xuất khẩu tôm và thủy sản còn rất khó khăn” - ông Quang nói.
Đồng thời, nguồn cung tôm vượt nhu cầu của thị trường thế giới cũng là yếu tố bất lợi cho tôm Việt Nam.
Đơn cử, năm nay, ngành nuôi tôm tại Ấn Độ thành công và đạt năng suất rất cao, làm tăng sản lượng tôm tại đây lên 20% so với cùng kỳ 2014.
Ngành nuôi tôm tại Thái Lan cũng có sự phục hồi mạnh khi đạt mức tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, giá tôm trên thị trường thế giới giảm liên tục mỗi tuần từ 20 - 30 cents/kg (từ đầu năm đến nay, giá tôm tại các thị trường chính đã giảm hơn 30%).
Một yếu tố khác là sự thiếu chuyên nghiệp của ngành nuôi tôm Việt Nam, phần lớn thực hiện theo phương thức dân gian, không theo một quy chuẩn nào - trừ một số DN có qui mô lớn - dẫn đến chi phí nuôi cao.
Giá thức ăn thủy sản không ổn định và tương đối cao với các nước trong khu vực đã góp phần làm cho giá thành sản phẩm tôm Việt Nam cao hơn các nước khác.
Trong khi đó, ở trong nước, giá cả đầu vào sản xuất kinh doanh của DN lại không giảm khiến giá thành tôm rất cao và không cạnh tranh được.
“Nếu Minh Phú mua tôm nguyên liệu theo giá thị trường DN sẽ có lời nhưng giá mua lại dưới giá thành, người nuôi tôm sẽ bỏ ao và DN cũng gặp khó khăn theo vì thiếu nguyên liệu…
Kết quả là chúng tôi đang phải “chịu trận” mua giá cao để hỗ trợ người dân tiếp tục nuôi, còn DN chịu lỗ” - ông Quang tâm tư.
Vậy có hướng ra nào để giải quyết bài toán này? Theo ông Quang, Minh Phú đang nghiên cứu và nỗ lực tìm các giải pháp để có giá thành thấp nhất, theo đó, người nuôi vẫn có lời và DN tiếp tục có nguyên liệu chế biến.
Ông tiết lộ trong năm tới, bằng phương pháp mới nghiên cứu của mình, giá thành nuôi tôm của Minh Phú có thể ở mức 90.000 đồng/kg hiện nay giảm xuống gần một nửa.
Khi đó, tôm Việt Nam sẽ không lo cạnh tranh không nổi ở các thị trường khác!
Mong Chính phủ đấu tranh mạnh mẽ hơn
Theo ông Lê Văn Quang, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định song phương và đa phương, tuy nhiên khi các nước tham gia vi phạm các cam kết trong hiệp định thì chúng ta lại không có các hành động cần thiết để đấu tranh, kiện tụng, và trừng phạt họ.
Vô hình trung, tạo ra tiền lệ để họ tiếp tục vi phạm và gây ra những bất lợi không mong muốn đối với DN Việt Nam.
Do đó, DN mong muốn Chính phủ, Bộ Công thương phải đấu tranh thật mạnh mẽ, buộc các nước phải thực thi nghiêm túc các cam kết trong hiệp định, nếu họ vi phạm, thì phải có biện pháp xử lý hoặc trừng phạt họ để bảo vệ DN Việt Nam.
Thực tế cho thấy để chặn hàng Việt Nam nhập khẩu, các nước thường dựng lên những hàng rào kỹ thuật quá cao, DN Việt phải bỏ ra 10%, 20%, thậm chí 30% chi phí giá thành để vượt qua hàng rào này.
Kết quả là hàng hoá Việt Nam khó cạnh tranh được.
Vì thế, Chính phủ cũng phải đấu tranh thật mạnh mẽ để buộc họ phải dỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật này.
Có thể bạn quan tâm

Kể từ khi chính thức nhấn nút vận hành tháng 3/2012, không tránh khỏi khó khăn song với nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên toàn Cty, cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị hữu quan, bạn hàng, Cty đã đạt được thành quả nêu trên.

Hộ ông Trần Văn Cậy, ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng lên bờ bao, cải tạo 1,5ha đất ruộng để thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ một phần chi phí đầu tư con giống, thức ăn và kỹ thuật chăm sóc.

Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác thông tin thị trường, đẩy mạnh ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, hướng dẫn thời điểm thu hoạch tôm để góp phần giảm thiệt hại trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Ông Trần Lợi ở thôn Hải Phú (Phong Hải) phấn khởi: - “Đây là vụ nuôi tôm thứ hai liên tiếp được mùa. Thả nuôi 1,5 triệu tôm giống trên diện tích 3.000m2, vụ vừa rồi lãi trên 600 triệu đồng. Bù lại những vụ trước thua lỗ, trong tay vẫn còn lãi 200 triệu đồng”.

Ngoài các chợ truyền thống trong tỉnh An Giang, thương lái còn đưa cá đi các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Buôn Ma Thuộc và TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày có ít nhất 50 tấn cá xuất tỉnh.