Tam Nông tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Theo kết quả điều tra của BCĐ sản xuất cấp huyện, hiện toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện đang bị các đối tượng sâu bệnh gây hại. Mật độ sâu non phổ biến 20-40 con/m2, cao 80-120 con/m2, cục bộ 200-300 con/m2, cá biệt 600-700 con/m2 (Tứ Mỹ, Hương Nộn, Hương Nha, Hiền Quan,...). Mật độ trứng phổ biến 10-20 quả/m2, cục bộ 40-60 quả/m2 (Hương Nộn). Tổng diện tích nhiễm 1.686,6ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.559ha.
Trước tình hình trên, BCĐ sản xuất của huyện đã chỉ đạo các biện pháp quyết liệt như: Tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh kể cả ngày thứ bẩy, chủ nhật đối với cán bộ ngành nông nghiệp. Tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn về mức độ gây hại của sâu cuốn lá có thể gây mất mùa để bà con nhân dân biết, cùng thực hiện. BCĐ sản xuất của huyện đã phân công các thành viên trực tiếp bám cơ sở, phối hợp cùng BCĐ sản xuất của xã đôn đốc bà con phun thuốc khi trời tạnh ráo. Nhiều xã đã dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo bà con phòng trừ sâu bệnh.
Theo kế hoạch của BCĐ sản xuất huyện sẽ tổ chức phun cao điểm và tập trung vào 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 31-7 đến hết 4-8, nếu phun tốt ở đợt này sẽ hạn chế sâu bệnh phát triển ở đợt sau. Đợt 2 sẽ phun từ xong trước ngày 7-8. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết mưa nhiều nên BCĐ sản xuất của huyện đã khuyến cáo bà con nhân dân cần tranh thủ những lúc tạnh ráo để phun thuốc và lựa chọn những loại thuốc lưu dẫn phối hợp tiếp xúc vị độc để tránh việc rửa trôi khi gặp trời mưa. Chị Phạm Thị Hải ở khu 2, xã Hương Nộn chia sẻ: Gia đình nhà tôi có 5 sào, được thông báo của khuyến nông cơ sở tôi đã đi thăm đồng, phát hiện lúa đã bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, chủ yếu là sâu cuốn lá. Gia đình tôi đã tổ chức phun 2 loại thuốc đó là Victory và Tango, đến nay đã phun xong. Tuy nhiên, do trời mưa liên tục nên hiệu quả cũng không cao. Tôi đang chuẩn bị phun lại đợt 2 trong vài ngày tới.
Ông Phạm Hùng - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Tam Nông đã khuyến cáo đến bà con nhân dân: Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nông dân cần phối trộn 2 loại thuốc, một loại thuốc hóa học lưu dẫn và một loại thuốc sinh học tiếp xúc vị độc để làm tăng hiệu quả phòng trừ. Cũng lưu ý bà con là hiện nay, thời tiết có mưa kéo dài nên bà con cần chủ động chọn thời điểm phun thuốc để thật sự có hiệu quả. Nếu phun trước 4 tiếng mà gặp mưa thì bà con phải phun lại. Từ sau 3 đến 5 ngày phun bà con nên kiểm tra lại nếu thấy mật độ sâu vượt ngưỡng từ 20 con/m2 trở lên thì phải phun tiếp đợt 2.
Theo khuyến cáo của Trạm BVTV huyện Tam Nông, bà con nhân dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun trừ triệt để những diện tích nhiễm sâu bệnh vượt ngưỡng. Do đa phần những diện tích bị nhiễm sâu đục thân đều trùng với diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, nên phòng trừ tốt diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ cũng hạn chế được sự gây hại của sâu đục thân. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Phòng trừ khi ruộng có mật độ sâu trên 20 con/m2 giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng. Đối với sâu đục thân: Khi ruộng có mật độ bướm trên 0,3 con/m2 hoặc mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2. Cần sử dụng hỗn hợp 1 trong các loại thuốc tiếp xúc mạnh như: Victory 585 EC, Wavotox 585 EC, Nicata 95SP, Clever 300WG, Dylan 10WG,...
Với một trong các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn mạnh như: Rigell 800WG, Regrant 800 WG, Finico 800WG,... Tuy nhiên, bà con nông dân cần lưu ý: Do áp lực sâu bệnh quá cao và trong điều kiện thời tiết bất thuận nên việc sử dụng thuốc cần phải tăng nồng độ lên 1,5 lần so với hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì để tăng hiệu lực phòng trừ. Những diện tích có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao trên 100 con/m2, hoặc diện tích phun gặp mưa (phun thuốc chưa được 4 tiếng gặp mưa), sau phun 3-5 ngày cần kiểm tra lại, nếu ruộng vẫn còn mật độ vượt ngưỡng thì cần phun trừ lần 2 để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bà con cũng không được lơ là với các loại sâu bệnh, chuột hại khác nên cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ kịp thời…
Có thể bạn quan tâm

Những ngày gần đây, tại TP.HCM, giá rau trong nước tăng cao, khan hiếm hàng nên rau củ Trung Quốc bắt đầu tràn vào thị trường với muôn kiểu “đội lốt”.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam dù có vị trí nhất nhì thế giới nhưng vẫn ít được thế giới biết đến. Không chỉ vậy, gạo Việt Nam ngày càng bị canh tranh gay gắt.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, sản lượng vải quả của tỉnh vụ năm nay ước tính khoảng 50.000 tấn, giá vải cao hơn năm trước khoảng 20% nên lợi nhuận của người dân tăng đáng kể.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.

Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.