Tâm huyết cùng trái cây sạch

Người “cầm lái” của tập thể năng động này là một lão nông đã qua tuổi 60 - ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc.
* Tiên phong ứng dụng công nghệ
Ông Phùng Thanh Tâm vui vẻ khoe: “Tôi đi tỉnh khác chơi, thấy người ta chỉ cần nhấn nút gọi điện thoại là ở nhà hệ thống tưới trong vườn tự hoạt động rồi tự tắt theo chương trình cài đặt sẵn nên mày mò học theo. Vườn sầu riêng, chôm chôm rộng gần 2 hécta của gia đình tôi đều được lắp hệ thống tưới tự động này.
Quy trình sản xuất cũng được kiểm soát chặt chẽ về tỷ lệ phân, thuốc không chỉ cho sản phẩm trái cây sạch mà góp phần giảm rất nhiều chi phí đầu tư”. Mô hình này hiện được rất nhiều xã viên ứng dụng. Các nông dân trong HTX cũng đều đầu tư cải tạo vườn cây giống cũ, chuyển đổi sang giống sầu riêng hạt lép, chôm chôm Thái, nhãn có giá bán cao. Nhờ đó, lợi nhuận từ 1 hécta đất tăng hơn rất nhiều so với những năm trước.
Mấy đời gia đình đều làm nông, cả đời ông Phùng Thanh Tâm cũng luôn gắn bó với mảnh đất, khu vườn. Dù qua tuổi hưu nhưng ông không ngại tham gia các khóa học về tin học, kế toán... để biết cách làm hóa đơn, chứng từ xuất các đơn hàng nông sản khi làm ăn với doanh nghiệp.
Ông Tâm chia sẻ: “Xưa nay, mình chỉ quen thuộc với cái cuốc, cái cày, giờ phải tập làm quen với con số, màn hình vi tính. Tuổi này học cái mới cũng vất vả hơn nhiều nhưng tôi không ngại vì nông dân bây giờ cũng phải biết tính toán, kinh doanh để sản phẩm có đầu ra ổn định hơn. Trăn trở của tôi là tạo được lớp kế thừa cho HTX vì đa số xã viên đều lớn tuổi”.
* Tìm thị trường cho trái cây sạch
Từ năm 2013, hơn 13 hécta chôm chôm (chủ yếu là đặc sản chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn) của HTX đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP. HTX đứng ra làm đầu mối tập trung nông sản bán với sản lượng lớn nên đảm bảo giá bán trái cây của các xã viên luôn ở mức cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.
Ông Tâm chia sẻ: “Làm ra sản phẩm sạch đã khó, việc tìm được đầu ra cho sản phẩm càng khó hơn. Hiện sản phẩm sạch của chúng tôi chủ yếu vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường. Tôi cũng đã tìm hiểu kênh bán hàng vào siêu thị nhưng thực hiện được không hề dễ”.
Tiếng lành đồn xa, năm 2014, HTX cung cấp được 30 tấn chôm chôm các loại cho một doanh nghiệp ở Hà Nội với giá cao. Năm 2015, HTX mở rộng liên kết với các tổ hợp tác, các HTX nông nghiệp khác chủ động hơn trong tìm kiếm bạn hàng để có đầu ra tốt cho sản phẩm sạch.
Theo ông Tâm, ý thức của các xã viên trong HTX ngày càng cao trong xây dựng và giữ gìn uy tín sản phẩm trái cây sạch. HTX đang tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng chương trình VietGAP cho cây sầu riêng với kỳ vọng xây dựng được thương hiệu sản phẩm an toàn cho vùng đặc sản trái cây ngon Long Khánh.
Có thể bạn quan tâm

Với giá bán dao động ở mức 10.000 – 20.000 đồng/kg cau cành tươi, cao gấp 6 – 12 lần so với năm 2013, 2014 nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế rất phấn khởi. Nhưng để niềm vui này được trọn vẹn, chính quyền các địa phương đã khuyến khích người dân không nên phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng để chạy theo cây cau.

Ban chỉ đạo Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào này giai đoạn 2012-2015 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu nông dân của tỉnh, nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc của phong trào trong thời gian qua.

Kết thúc vụ cá chính (từ 1.4 đến 30.9), ngư dân trong tỉnh phấn khởi vì sản lượng đánh bắt cũng như giá bán tăng cao. Niềm vui "trúng mùa, được giá" là động lực để ngư dân trong tỉnh tiếp tục vươn khơi.

Hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những hợp phần quan trọng của Chương trình 135 trong việc nâng cao mức sống, giúp các hộ nghèo, cận nghèo các vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững.
Sáng 8.10, tại UBND xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh- Chi nhánh Quảng Ngãi (HDBank) đã tổ chức hội thảo khách hàng về triển khai gói tín dụng cho vay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.