Tại Sao Sốt Phân Urê ?

Hai tuần nay, nhất là sau những ngày nghỉ lễ 30/4, đúng vào lúc cần nhiều phân bón nhất cho vụ hè thu thì thị trường bỗng dưng nổi cơn sốt urê.
Tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp giá urê Phú Mỹ và urê của Trung Quốc đều được bán lẻ với giá 570.000 đ/bao 50 kg, cao hơn 2 tuần trước 70.000 đ/bao. Ở Bình Phước giá urê Phú Mỹ cũng được đẩy lên 565.000 đ/bao, cao hơn trước lúc nghỉ lễ 30.000 đ/bao.
Không những tăng giá đột biến mà còn khan hàng, rất nhiều đại lý đều cho biết giá trên là giá tạm và chưa biết sẽ tăng tới đâu vì các nguồn cung cấp đều gần như không có hàng. Nguồn urê Trung Quốc không hóa đơn trước đây thường thấp hơn Phú Mỹ 20.000 – 30.000 đ/bao nhưng do khan hàng nên giá đã tương đương nhau. Hàng khan và lượng tồn kho cũng rất mỏng, trong 4 tháng đầu năm 2012, theo số liệu của Hải Quan thì chỉ có 6.000 T urê được nhập vào Việt Nam (trong tháng 2/2012).
Trao đổi với NNVN, nhiều đầu mối nhập khẩu phân bón lớn cho biết, giá lên do giá nước ngoài tăng từ 10-20 USD/T (FOB). Trung Quốc, bạn hàng xuất khẩu phân urê lớn nhất cho Việt Nam giá đã tăng 70 – 100 NDT/T (2.400 – 2.450 NDT/T) tùy theo thị trường từng tỉnh. Lào Cai, cửa khẩu nhập khẩu phân bón mậu biên chính cũng đang tình trạng khan hàng do Trung Quốc chưa dỡ bỏ lệnh cấm mậu biên để tập trung cho nội địa và xuất khẩu chính ngạch.
Lý do khan hàng còn phải kể đến bất cập của nhà máy Đạm Cà Mau. Do ở rất xa, đường giao thông nhỏ, hàng chỉ đi 1 chiều (ô tô phải chạy không về Cà Mau để nhận hàng) nên phí vận tải tăng mạnh quá sức chịu đựng. Việc vận tải bằng đường thủy cũng trở ngại vì thiết kế của nhà máy này chỉ xuất được cho sà lan có tải trọng từ 500 T trở lên, không xuất được cho sà lan nhỏ hoặc ghe. Chính vậy mà nhiều khách hàng đã trúng thầu, chuyển tiền nhưng lượng nhận hàng cũng nhỏ giọt.
Một thông tin khác, nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 T/năm có kế hoạch sản xuất những tấn đạm đầu tiên vào đợt kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam nhưng do trục trặc hệ thống bơm nên phải hoãn lại, mặc dù nhà máy này mỗi ngày cứ vẫn phải đốt 3.300 T than.
Hà Bắc, nhà máy phân đạm có công suất 180.000 T/năm sản xuất không đủ cung cho thị trường các tỉnh phía Bắc nên chỉ ưu tiên cho các hợp đồng trước. Phú Mỹ, nhà máy sản xuất urê lớn nhất Việt Nam công suất 750.000 T/năm không đủ cho nhu cầu khi cả 3 miền đều vào vụ.
Trong lúc kim ngạch nhập khẩu phân bón quý I/2012 chỉ đạt 612.300 tấn giảm 27% về lượng và 13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch xuất khẩu lại tăng, đạt 130,79 triệu USD gần bằng 1/2 kim ngạch nhập khẩu (264,3 triệu USD)
Dự báo giá u rê trong nước sẽ tiếp tục tăng theo giá thế giới. Việc tăng chi phí sản xuất phân urê do giá dầu mỏ tăng sẽ còn tiếp tục và các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn theo dõi diễn biến để nhập khẩu theo kiểu nhập ít, giải phóng hàng nhanh để giảm rủi ro và lãi suất.
Có thể bạn quan tâm

Ngày đầu tiên của Tuần lễ vải thiều VN tại Úc diễn ra đồng loạt ở ba trung tâm người Việt tại bang New South Wales là Cabramatta, Bankstown và Marrickvilles lúc 11g ngày 1-7 (giờ địa phương).

Thị trường tràn lan các loại tỏi mang thương hiệu tỏi Lý Sơn khiến khách hàng rất khó phân biệt. Trong khi đó, nông dân trồng tỏi Lý Sơn lao đao vì giá tỏi xuống thấp.
Trái ngược với sự lạc quan khi vải được mùa, được giá dịp đầu mùa, vài ngày trở lại đây, giá vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã giảm mạnh do thương lại Trung Quốc đột ngột rút về nước, không thu mua khiến nhiều hộ trồng vải đứng ngồi không yên.

Biết phát huy lợi thế của địa phương, cộng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Phú An, huyện Châu Thành, đạt được nhiều kết quả khả quan và con đường cách đích NTM không còn xa.

Giá cả không ổn định, diện tích sản xuất bị thu hẹp khiến nhiều diêm dân ở các làng muối Tam Hòa, Tam Hiệp (Núi Thành) lo lắng.