Tái canh cà phê ở Lâm Đồng

Bài 1: Hiệu quả từ cho vay tái canh cà phê
Tây Nguyên là “thủ phủ“ của cây cà phê, chiếm 92% sản lượng cà phê của cả nước, giúp đưa sản lượng xuất khẩu cà phê khoảng 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu trung bình thu đạt hơn 2 tỷ USD. Cà phê là loại cây trồng chủ lực, chiếm 60% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và tạo thu nhập ổn định cho khoảng 60% nông hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Nhưng, có một thực trạng ở Tây Nguyên là diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh với hơn 86 ngàn ha cà phê có tuổi thọ trên 20 năm, chiếm 17,3% tổng diện tích cà phê và khoảng 40 nghìn ha cà phê dưới 20 tuổi, nhưng đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành tán, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quả thấp (Số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT). Riêng Lâm Đồng hiện có gần 23 ngàn ha cà phê đang cần tái canh.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng cây cà phê già cỗi nhanh, như đất không phù hợp, giống cây trồng không bảo đảm, phân bón và nước tưới không hợp lý, tình trạng thâm canh cao... Trước đây, người nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc TCCP và tự thực hiện tái canh bằng cách trồng mới hoặc ghép chồi, nhưng mất nhiều thời gian, chi phí và không mang lại thu nhập trong thời gian tái canh, nên diện tích cà phê được tái canh rất thấp, khiến cho diện tích cà phê xuống cấp, sâu bệnh gia tăng... Vì vậy, chủ trương cho vay TCCP của Chính phủ với lãi suất ưu đãi, thời hạn cho vay phù hợp với một chu kỳ tái canh cà phê (khoảng từ 4 - 8 năm), là nguồn hỗ trợ rất căn cơ, giúp người nông dân có nguồn vốn hợp lý cải tạo vườn cà phê cũ bằng những mầm giống mới, tăng khả năng cho quả trong tương lai...
Tại Lâm Đồng có 2 chi nhánh ngân hàng thực hiện cho vay TCCP là Agribank chi nhánh Nam Lâm Đồng (hoạt động trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm) và Agribank chi nhánh Lâm Đồng (hoạt động trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện còn lại của tỉnh). Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 9/5/2013 về Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015. Hơn 2 năm qua, tính đến 31/7/2015, tổng dư nợ cho vay TCCP trên địa bàn Lâm Đồng đạt 630,6 tỷ đồng, trên diện tích 6.977ha và 5.097 khách hàng. Trong đó, chỉ riêng Agribank Lâm Đồng tổng dư nợ cho vay TCCP đạt 621 tỷ đồng, với diện tích hơn 6.883ha và 5.020 khách hàng, chiếm trên 80% tổng dư nợ đầu tư TCCP toàn địa bàn Tây Nguyên, tăng 241 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 73,7% kế hoạch năm 2015. Những địa phương có diện tích cà phê được đầu tư tái canh cao là huyện Di Linh với khoảng 4.900ha, Lâm Hà trên 2.000ha.
Ông Phạm Đình Giới (thôn Ngọc Sơn 3 - xã Phú Sơn - huyện Lâm Hà) vừa trồng lại 1,65ha cà phê trong số 3ha cà phê của gia đình, cho biết: “Cả thôn có trên 20ha cà phê tái canh. Không trồng lại là thua đó! Cà phê đã 20 năm cho trái, cằn cỗi lắm rồi. Nhưng vốn tái canh không nhỏ, may là nhà nước có chủ trương, ngân hàng xúm tay vào giúp, chúng tôi cũng yên tâm chăm sóc vườn cà phê, ổn định cuộc sống...”. Gia đình ông Bùi Đức Tiết (thôn Bằng Tiên - xã Phú Sơn - huyện Lâm Hà) đang sử dụng vốn vay đến năm thứ hai để tái canh 2 ha cà phê của gia đình với 8 sào ghép chồi và 1,2 ha trồng mới. Theo ông Tiết, cây cà phê lâu năm, ngoài già cỗi còn bị nhiễm sâu bệnh, nên khi trồng mới phải nắm được đặc tính của chất đất, để tiến hành khử trùng, chọn giống và chăm sóc cây cà phê con. Tiến độ cho vay vốn của ngân hàng phù hợp với tình hình trồng, chăm sóc cà phê tái canh nên tạo thuận lợi cho người dân... Còn gia đình ông Trương Minh Đường (thôn 2 - xã Phúc Thọ - huyện Lâm Hà) lại tái canh bằng cách ghép chồi toàn bộ diện tích cà phê trong vườn. Ông cho biết, gia đình vừa nhận xong khoản hỗ trợ cuối cùng của ngân hàng cho đợt ghép chồi cuối cùng trong tổng số 2ha cà phê của gia đình. Lứa cà phê ghép chồi đầu tiên năm nay bắt đầu cho quả, có thể nhìn thấy rõ năng suất vượt trội so với trước khi ghép...
Thực hiện Đề án TCCP các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, ngày 11/5/2015, NHNN Việt Nam đã ban hành Công văn số 3227 và 3229/NHNN-TD để triển khai chính sách và hướng dẫn cho vay TCCP tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Cùng với đó, ngày 9/6/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn 3119 để triển khai chính sách cho vay TCCP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện TCCP trên địa bàn phù hợp với Đề án TCCP các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Cũng theo hướng dẫn tại Công văn số 3227/NHNN-TD, hiện nay, định mức cho vay TCCP do khách hàng và Agribank thỏa thuận, nhưng tối đa (tham khảo định mức cho vay TCCP của Ngân hàng thế giới) là 150 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng mới và 80 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép chồi.
Có thể bạn quan tâm

Số tiền trên được trích từ qũy phòng, chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ cho 80 hộ dân ở huyện Sa Pa có diện tích su su bị sập giàn và hư hỏng trong đợt mưa tuyết vừa qua với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.

Những ngày cuối năm lên với huyện miền núi cao Quế Phong - vùng đất mới của cây cao su, hay về với “thủ phủ” Anh Sơn, Thanh Chương, đều cảm nhận thấy rất rõ sự phát triển mạnh mẽ của loại cây mà sản phẩm ngày nay được gọi là “vàng trắng”. Với Dự án “trồng và phát triển cao su trên đất Nghệ An” của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An, những vùng đồi nghèo trước đây nay đã xanh màu hy vọng và no ấm.

Những ngày cận Tết Nguyên Đán, đến với xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) chúng ta sẽ được hòa mình trong bầu không khí lao động hết sức khẩn trương của người dân nơi đây. Trên những ngọn đồi, người dân hối hả thu hoạch sắn chuyển đến nhà máy, nguồn thu này giúp người trồng sắn có thêm điều kiện để đón một cái tết no ấm, sung túc.

Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm. Để có một vụ mùa bội thu cả về năng suất, sản lượng, chất lượng hạt lúa, vui xuân, đón Tết nông dân cũng cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình dịch bệnh hại lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh và thất thường như hiện nay.

Anh Nguyễn Công Phước ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước - Ninh Thuận) trồng 1 sào súp lơ, cho biết: Năm nay sau khi thu hoạch táo, cắt cành xong, tôi trồng súp lơ xen canh.