Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh

Tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh
Ngày đăng: 30/06/2015

Ở nước ta, cá rô đồng thường sinh sống trong các loại hình mặt nước ruộng lúa, ao, mương, đìa, sông rạch... là loại cá có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị cao, được nhiều người ưa chuộng và được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường - cả ở vùng nông thôn lẫn thành phố do phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng.

Do đã chủ động được nguồn giống cá rô đồng nhờ sinh sản nhân tạo giống thành công, cũng như do loài cá này có khả năng sử dụng thức ăn chế biến công nghiệp trong khi nuôi nên hiện nay tại nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển nuôi cá rô đồng theo hình thức thâm canh.

Cũng vì nuôi thâm canh với mật độ cao và cho cá ăn bằng thức ăn chế biến công nghiệp nên tuy cá rô đồng có thể sống được trong những điều kiện môi trường không thuận lợi nhưng vẫn không tránh khỏi việc xuất hiện một số bệnh ở cá nuôi, như bệnh xuất huyết, lở loét, nấm nhớt, sình bụng... và nhất là bệnh đen thân, gây tổn thất về kinh tế cho người nuôi.

Bệnh đen thân ở cá rô đồng được coi là một bệnh nguy hiểm vì bệnh có thể gây chết khối lượng lớn cá nuôi trong ao. Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn đầu của chu kỳ nuôi, trong thời kỳ vào khoảng 20 - 30 ngày tuổi đến 55 - 60 ngày tuổi sau khi thả cá giống, khi chiều dài cá đạt khoảng 3,5cm. Cá nuôi mắc bệnh đen thân có các dấu hiệu bệnh lý đặc trưng như màu sắc toàn thân cá chuyển sang màu đen, đôi khi có hiện tượng tuột vây, đứt đuôi. Cá bệnh thường nổi lên mặt nước, sau đó 1 - 2 ngày sẽ bị chết. Tỷ lệ cá chết vì mắc bệnh này dao động trong khoảng từ 40 - 70%, có trường hợp lên đến 90 - 100%! Giải phẫu cá bệnh thấy gan cá có biểu hiện sưng, xuất huyết hoặc chuyển màu nhợt nhạt, ruột cá không có hoặc có rất ít thức ăn.

Tuy bệnh đen thân gây ra tác hại lớn cho người nuôi thâm canh cá rô đồng nhưng do chưa có những hiểu biết rõ ràng về tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh nên cho đến gần đây vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào được xây dựng để phòng trị căn bệnh này.

Sau một thời gian phối hợp nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I với Phân viện nghiên cứu Thủy sản Minh Hải thuộc Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, năm 2013, câu trả lời về tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh đã được đưa ra.

Bằng cách sử dụng phương pháp bao vây để xác định tác nhân gây bệnh ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn và phương pháp phân tích siêu cấu trúc để xác định sự có mặt của virus trong các mẫu cá rô đồng có biểu hiện mắc bệnh đen thân và cá rô đồng không có dấu hiệu bất thường (cá khỏe mạnh dùng làm đối chứng), được thu tại các vùng nuôi cá rô đồng thâm canh ở Bắc Giang, Hải Dương (phía bắc) và Hậu Giang, Đồng Tháp (phía nam) trong năm 2012, nhóm tác giả đã bước đầu làm sáng tỏ tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh.

Về tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng, kết quả nghiên cứu cho thấy: Có bắt gặp một số ngoại ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng loa kèn, bào tử sợi và sán lá đơn chủ trên mang và da cá bị bệnh đen thân nhưng không bắt gặp ký sinh trùng Trypanosoma sp. trong máu cá. Tuy nhiên, các ký sinh trùng này được bắt gặp với tỷ lệ nhiễm thấp và đồng thời cũng gặp ở cả cá khỏe mạnh nên không thể coi ký sinh trùng là nguyên nhân gây ra hiện tượng đen thân ở cá rô đồng.

Về tác nhân gây bệnh là nấm: Kết quả nuôi cấy và phân lập nấm từ mang của các mẫu cá bệnh và cá khỏe mạnh đã phát hiện một số giống, loài nấm như Fusariumsp., Saprolegnia sp., Rhyzopus sp., Exophiala sp. và Aspergillus sp. với tần suất thấp và không đồng nhất ở các mẫu, do vậy nấm cũng không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng đen thân ở cá rô đồng.

Về tác nhân gây bệnh là vi khuẩn: Sau khi nuôi cấy và phân lập vi khuẩn từ gan, thận, não của cá bệnh và cá khỏe mạnh, đã thấy xuất hiện một số loài vi khuẩn thuộc các giống Aeromonas, Edwardsiella, Streptococcus, Flavobacterium, Staphylococcus với tỷ lệ nhiễm ở cá bệnh cao hơn ở cá khỏe mạnh. Đây là các nhóm vi khuẩn thường gặp ở cá nước ngọt và chúng có khả năng gây một số bệnh cho cá nuôi. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh lý điển hình do các nhóm vi khuẩn này gây ra ở các loài cá nuôi trong nước ngọt lại không phải là những dấu hiệu phổ biến của cá rô đồng có biểu hiện mắc bệnh đen thân. Hơn nữa, chúng được phát hiện với tỷ lệ nhiễm thấp nên không thể là tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh, mà có khả năng chỉ là tác nhân cơ hội, tấn công cá khi cá đã bị mắc bệnh do một tác nhân khác gây ra bệnh và trong trường hợp này có thể là tác nhân virus, làm cho bệnh trở nên nặng thêm lên.

Về tác nhân gây bệnh là virus: Kết quả phân tích siêu cấu trúc các lát cắt siêu mỏng của các mẫu gan, thận, não của cá bệnh cho thấy hầu hết các tổ chức gan và thận đều có hiện tượng thoái hóa hoặc hoại tử, đồng thời quan sát thấy sự có mặt của các hạt virus bám quanh khoang thoái hóa. Các hạt virus này có dạng hình cầu đối xứng, đường kính khoảng 150 - 160 nm với lớp vỏ capsid bao ngoài. Riêng ở tổ chức não của cá có biểu hiện của bệnh đen thân, không thấy có sự biến đổi khác thường so với cá khỏe mạnh và không quan sát thấy có các hạt virus trong các tế bào mô não.

Để đánh giá vai trò của virus đối với bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh, đã tiến hành tiêm dịch nghiền thô (không lọc) hoặc dịch nghiền lọc gan, thận thu được từ cá bệnh cho cá khỏe mạnh. Kết quả thực nghiệm gây nhiễm cho thấy các dấu hiệu đen thân đặc trưng tương tự ngoài tự nhiên đã xuất hiện ở cá khỏe mạnh trong tất cả các nghiệm thức thí nghiệm. Điều này đã giúp khẳng định virus phát hiện được trong gan, thận của cá bệnh là tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh.

Kết quả xác định được tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng và ban hành các quy trình, biện pháp hữu hiệu để phòng trị căn bệnh này, giúp phát triển nghề nuôi cá rô đồng thâm canh trong các vùng nước ngọt, nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước và tăng thu nhập kinh tế cho người nuôi cá.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Lãng Phí 2 Tỷ USD/năm Tiền Phân Bón Nông Dân Lãng Phí 2 Tỷ USD/năm Tiền Phân Bón

Tại hội thảo quốc gia “Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu ra một số liệu thống kê khiến nhiều người giật mình: Trung bình mỗi năm, nông dân Việt Nam lãng phí 2 tỷ USD vì sử dụng phân bón không đúng cách. Trong con số 2 tỷ USD này, có một phần của nông dân tỉnh Lâm Đồng.

01/04/2014
Quảng Nam Tiêm 460 Nghìn Liều Vacxin Cúm A/H5N1 Cho Gia Cầm Quảng Nam Tiêm 460 Nghìn Liều Vacxin Cúm A/H5N1 Cho Gia Cầm

Những ngày qua Sở NN-PTNT Quảng Nam đã thành lập 5 đoàn công tác về các vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh để trực tiếp chỉ đạo khâu phòng chống dịch.

01/04/2014
Giá Đường Rơi Tự Do Giá Đường Rơi Tự Do

Giá đường giảm và giảm đến mức nào? Đó là câu hỏi mà các nhà máy đường tự hỏi và hỏi lẫn nhau, nhưng rồi ai cũng lắc đầu vì... bí!

01/04/2014
Khô Nhái Dễ Bán Khô Nhái Dễ Bán

Bình quân cứ 4 - 4,5 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô. Giá nhái khô hiện thời 540.000 đ/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

01/04/2014
Thiếu Điện Cho Sản Xuất Vì Thiếu Vốn Đầu Tư Hạ Tầng Thiếu Điện Cho Sản Xuất Vì Thiếu Vốn Đầu Tư Hạ Tầng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 85% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy nổ, vì chưa có nguồn điện lưới phục vụ. Điều này dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, làm giảm năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh và vùng ĐBSCL.

01/04/2014