SV 181 Chất lượng cao, siêu năng suất khỏe bông, sạch bệnh

Tiềm năng trên mọi vùng đất
Đó cũng là lý do mà giống lúa thơm SV 181 được trồng trên cánh đồng ruộng cát pha của xã Kỳ Giang.
Ông Phan Công Trịnh, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh đã từng đưa SV 181 về trồng thử nghiệm trên vùng đất bạc màu SX hai vụ lúa bấp bênh. Mấy năm gần đây vào vụ HT gần như bà con bỏ ruộng. Ông Trịnh thuê lại để làm mô hình.
“Tôi nghỉ hưu nhưng tấm lòng còn nặng với nghề nông và luôn suy nghĩ tìm tòi giống lúa có triển vọng tốt đưa về cho bà con mình. Nghe tin có giống lúa thơm SV 181 là tôi hồ hởi tìm kiếm đưa về để làm”, ông Trịnh nói.
Theo đó, lúa SV 181 được thâm canh với chế độ phân bón, thuốc BVTV ở vào dạng trung bình như các loại giống khác mà bà con đang gieo cấy. Khi cây lúa đang thì con gái, đi trên bờ ruộng đã thấy phảng phất mùi thơm. Vào thời lúa trổ, mùi thơm càng nhiều hơn. Bây giờ đi trên cánh đồng Kỳ Giang nhìn vạt ruộng của ông Trịnh với các vạt ruộng khác đã thấy sự khác biệt rất rõ. Trong khi các giống lúa khác đang kỳ cúi bông thì SV 181 đã chín vàng, bông ken dày, chắc hạt.
Nhiều nông dân trong và ngoài huyện đến xem mô hình lúa thơm SV 181 của ông Trịnh rất hài lòng khi thấy bông dài trĩu nặng. Ông Võ Ngọc Bích (xã Yên Lộc, huyện Can Lộc) ngồi bên bờ ruộng xem chất đất, quan sát bông lúa rồi bộc bạch: “Đất ở đây thuộc loại xấu, không chủ động được nước mà cây lúa phát triển tốt và khoe bông là có thể sánh với vụ ĐX rồi. Lúa ở đây chắc chắn cho năng suất khoảng 60 tạ/ha, là quá ổn”.
Ông Bích cũng cho biết đã làm vụ thứ hai với giống lúa này. Nơi ông làm cho năng suất cao hơn vì chất ruộng tốt hơn. “Giống lúa thơm SV 181 cho năng suất cao và hạt gạo thơm, đậm cơm và mềm nên bà con ai cũng thích”, ông Bích chia sẽ.
Cũng trong vụ HT, Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà làm mô hình thử nghiệm trên diện tích 1 ha tại thôn Quyết Tiến (xã Thạch Xuân).
Mặc dù vụ HT gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, nhưng SV 181 vẫn phát triển khá tốt. Năng suất được đánh giá đạt trên 62 tạ/ha.
Ông Bùi Quốc Sơn, GĐ Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà cho hay: “SV 181 có khả năng thích ứng tốt và cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện SX trên địa bàn huyện. Đây thuộc nhóm giống ngắn ngày SX được cả hai vụ trong năm; năng suất, chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh khá.
Mô hình trình diễn giống lúa mới SV 181 đã mang lại thành công về mặt khoa học, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, từng bước hình thành vùng SX lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn”.
“Chắc chắn trong thời gian tới, lúa thơm SV 181 sẽ được nông dân Nghệ An đón nhận để thay thế các giống khác. Lúc đó, thu nhập của bà con cũng sẽ tăng lên hơn rất nhiều”, ông Lê Văn Ba, một nông dân xã Nghi Diên nói.
Thời gian qua, trên cánh đồng xóm 11 (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), nhiều bà con đến xem cũng đang bàn tán sôi nổi về ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên. Vạt ruộng nổi bật lên bởi cây lúa cứng cáp, bông dài cúi vòng rập rờn trước gió, nhìn cây và bông cứ như giống lúa lai.
Ông Nguyên cho hay: "Vào vụ HT, tôi được Cty cung cấp giống lúa thơm SV 181 về gieo trên diện tích gần 4 sào. Vì làm vụ đầu tiên nên cũng e dè không dám đưa vào ruộng tốt và không đầu tư, chỉ gieo vào chân đất ruộng trung bình và thiếu nước. Vậy mà cây lúa phát triển rất tốt. Khi vào vụ, tôi chỉ phun thuốc diệt cỏ chứ không hề phun bất cứ loại thuốc nào, rứa mà chưa phát hiện lúa nhiễm sâu bệnh”.
Ông Nguyên cũng cho hay, vụ ĐX trước, ông bón hết 4 bao phân NPK và 1 bao đạm urê (loại 50 kg). Vụ HT này với giống SV 181, ông chỉ sử dụng 2 bao phân NPK và 25 kg đạm urê. Phân bón ít hơn nhiều, nhưng cây lúa vẫn tốt bời bời. Trước lúc gặt, Phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc tổ chức hội thảo đầu bờ cho nông dân trong vùng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Nhìn thấy cây lúa trên đồng, ai cũng hồ hởi và hy vọng giống lúa này có triển vọng tốt.
Ngồi bên bờ ruộng, ông Nguyên đưa tay quơ một bó lúa xem kỹ rồi phấn chấn: “Làm nông đã lâu, nhưng tôi chưa thấy giống lúa nào tốt như SV 181. Năng suất chắc chắn đạt trên 70 tạ/ha. Vụ ĐX tới, tôi vận động bà con trong xóm mở rộng diện tích giống lúa này. Nhiều bà con cũng đã hỏi cách canh tác và nơi cung cấp giống để mua về trồng”.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cũng đã phối hợp với các địa phương như xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên), xã Diễn Mỹ (huyện Diễn Châu), xã Xuân Hòa (huyện Nam Đàn), xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành)… triển khai mô hình trình diễn giống lúa thơm SV 181 và được bà con đã ghi nhận những tính năng vượt trội về TGST, năng suất và chất lượng gạo.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình bệnh đốm nâu đang gây hại cây thanh long trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa ra quyết định thành lập Tổ chỉ đạo phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, do ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV làm Tổ trưởng.

Mồng tơi có thể trồng quanh năm, tốt nhất là từ tháng 8 năm nay đến tháng 4 năm sau. Cây có thể sinh trưởng tốt tại những nơi đất thấp trong vùng nhiệt đới lên đến độ cao 500m so với mặt biển, thậm chí có thể mọc cả ở những khu vực cao 3.000m trong vùng ôn đới. Nhưng trong điều kiện ngày dài trên 13 giờ, mồng tơi sẽ không ra hoa.

Việc chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh của cơ quan chức năng chuyên môn là rất quan trọng. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, chủ hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các quy định vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; khi nhận thấy gia cầm có những biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương …

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, để khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất nông nghiệp, địa phương đã thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho 37 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, với tổng số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng.

Cỏ Ghile (còn gọi là cỏ ngọt) được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng nhập giống từ Trường Đại học Nông - Lâm nghiệp Thái Nguyên từ cuối năm 2013, triển khai trồng mô hình tại xã Ngối Cáy. Giống cỏ này được sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, dê, thỏ và cá, có những ưu điểm vượt trội so với cỏ voi và cỏ VA06 khi hệ số sử dụng đạt 100% bởi thân mềm, có vị ngọt mát.