Sụt Giảm Sản Lượng Cá Ngừ Do Khai Thác Bằng Đèn Cao Áp

Sản lượng khai thác sụt giảm, trong khi giá chỉ bằng 1/3 cùng kỳ mọi năm, khiến nhiều ngư dân thua lỗ nặng.
Đang vào chính vụ khai thác cá ngừ đại dương, nhưng tại cảng cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, hàng trăm tàu cá vẫn nằm bờ.
Lão ngư Phạm Đáng, chủ tàu cá PY 92447 ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, chuyến biển mới đây, tàu của ông nằm ngoài khơi đến cả tháng trời, câu được có vài con cá, bán được hơn 22 triệu đồng, tính ra lỗ đến hơn 150 triệu đồng. Tương tự như ông Đáng, sợ thua lỗ, nhiều ngư dân ở tỉnh Phú Yên chấp nhận nằm bờ.
“Đã 1 tháng nay chúng tôi không dám đi làm vì giá thành cá quá thấp không đủ trang trải chi phí. Hơn nữa, hiện nay câu cá bằng loại đèn cao áp 1.000W - 1.500W sẽ làm thịt cá ngừ bị ảnh hưởng, không đảm bảo cho xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn nhà nước xem lại lệnh cấm dùng đèn giàn truyền thống” - ông Phạm Đáng nói.
Cũng theo ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ, thời gian đầu áp dụng câu cá ngừ bằng đèn cao áp, sản lượng đánh bắt tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với câu giàn truyền thống. Tại các làng biển miền Trung, ngư dân đua nhau chuyển sang câu bằng đèn cao áp. Hậu quả là, chỉ sau 1 thời gian ngắn, giá cá ngừ đại dương liên tục sụt giảm từ 200.000 đồng/kg xuống còn dưới 100.000 đồng/kg.
Được biết, nguyên nhân chính là do chất lượng cá ngừ đánh bắt bằng đèn cao áp thua kém hẳn so với cá cầu giàn truyền thống. Thậm chí, một nửa số sản phẩm đánh bắt không xuất khẩu được, nếu muốn xuất khẩu phải qua chế biến. Trên thực tế, cá ngừ xuất khẩu nguyên con có giá từ 15 - 20 USD/1 kg, trong khi cá ngừ đại dương qua chế biến giá chỉ 5 - 6 USD/1kg.
Việc khai thác cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cá đánh bắt, mà sản lượng khai thác cũng sụt giảm đáng kể. Nếu như trước đây, bình quân mỗi chuyến biển một tàu khai thác được 2,5 tấn - 4 tấn cá, thì nay chỉ đạt từ 5 - 7 tạ cá.
“Hiện nay giá cá trong bờ hạ thấp trong khi số lượng thuyền câu ngoài biển nhiều quá nên ngư dân không thể tiếp tục ra khơi phải neo bến”, ngư dân Trần Nết ở phường 6 Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho hay.
Nguồn cá ngày càng khan hiếm, giá nhiên liệu tăng cao, trong khi đó sản phẩm cá ngừ đại dương lại rớt giá liên tục, thậm chí không xuất khẩu được, khiến cho hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên phải nằm bờ.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá thành phố Tuy Hòa cho biết, với tình hình như hiện nay, muốn không thua lỗ chỉ còn cách cho tàu nằm bờ. Hiện, hơn 70% số tàu thuyền của địa phương đang nằm bờ, hàng ngàn ngư dân thất nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn.
“Cá ngừ hiện tại có trọng lượng 110 kg - 120 kg nước ngoài không muốn mua vì cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng mạnh làm ảnh hưởng chất lượng. Ngư dân lại trà trộn với con cá ngừ đại dương làm mất giá trị. Giá cá đã hạ trong khi sản lượng còn không đảm bảo khiến ngư dân thua lỗ hàng loạt”, ông Phan Thuẫn cho hay.
Phú Yên là tỉnh có thế mạnh về khai thác cá ngừ đại dương, vì thế chính quyền và ngành chức năng nơi đây cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, để bà con an tâm tiếp tục bám biển, góp phần đảm bảo đời sống, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Có thể bạn quan tâm

“Giống mì NA1 này vừa cho củ to lại nằm sát mặt đất dễ thu hoạch, lượng tinh bột nhiều, kháng được sâu bệnh, cây ít đổ ngả. Lúc thu hoạch sướng cái bụng lắm”, bà Bùi Thị Mai ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) hào hứng cho biết.

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.

Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ nhân rộng đưa các giống mới trên vào sản xuất.

Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.