Sức lan tỏa của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Từ khi Hội Nông dân thị xã Ngã Bảy phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, nhiều nông dân đã mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, phấn đấu vươn lên để trở thành những nông dân đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân và góp phần để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Trường hợp của ông Phạm Văn Phước, ở ấp Cái Côn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy là một điển hình. Trước đây, gia đình ông Phước chỉ trồng xoài và mận nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao chống lũ, cùng với nhiều gia đình khác ở ấp Cái Côn, gia đình ông Phước đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phá bỏ vườn xoài và mận kém hiệu quả kinh tế để chuyển sang trồng cam sành.
Với sự cần cù chịu khó của người nông dân, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, với 5 công đất, gia đình ông Phước trồng được 1.500 cây cam sành, sau 2 năm, vườn cam của gia đình bắt đầu cho trái chiếng và từ đó đã mang về nguồn thu nhập ngày càng lớn hơn cho gia đình. Năm 2014 vừa qua, nguồn thu nhập từ vườn cam sành của gia đình trên 250 triệu đồng, từ đó cuộc sống kinh tế gia đình ông Phước đã rất vững vàng và nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (NDSXKDG) cấp thị xã.
Ông Phạm Văn Phước nói: “Quan trọng là bản thân mình phải cố gắng vươn lên, phải tiếp tục nghiên cứu áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào vườn cam cho đạt hiệu quả và tôi đang phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ đạt được danh hiệu NDSXKDG cấp tỉnh, rồi còn tiến tới cấp trung ương nữa”.
Được công nhận danh hiệu NDSXKDG chính là sự ghi nhận những nỗ lực của người nông dân trong quá trình cần cù lao động sản xuất. Từ đó, cũng tiếp thêm động lực và tạo sự thu hút để phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi ngày càng lan tỏa rộng khắp trong nông dân.
Mô hình VAC của hộ ông Trần Văn Luyện, ở khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cũng đã giúp gia đình ông trở thành nông hộ đạt NDSXKDG nhiều năm liền. Vừa trồng 1.000 gốc cam kết hợp chăn nuôi heo và nuôi ba ba, mà hàng năm, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình ông còn lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Ông Trần Văn Luyện chia sẻ: “Cũng nhờ học tập khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nên hiệu quả mô hình mới đạt hiệu quả ngày càng cao. Hơn nữa, mình thấy nhiều anh em lân cận cũng phấn đấu vươn lên thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi thì bản thân mình cũng quyết tâm hơn”.
Tính đến nay, thị xã Ngã Bảy có 2.544 hộ đạt chuẩn NDSXKDG các cấp, chiếm 34% số hộ nông dân, trong đó có 865 mô hình cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm; 379 mô hình đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; tăng 923 mô hình so với năm 2010. Đặc biệt là câu lạc bộ thu nhập cao ở xã Tân Thành, mỗi hộ thu nhập bình quân 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/năm. Nhiều nông hộ đã lựa chọn cho mình mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn và mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như hộ ông Phạm Văn Phước, ở ấp Cái Côn, xã Đại Thành; ông Trần Văn Luyện, ở khu vực 1, phường Lái Hiếu hay như mô hình trồng dâu xanh, dâu bòn bon chuyên canh của hộ ông Lê Minh Trí, ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, lợi nhuận mỗi năm đạt từ 200-300 triệu đồng; mô hình chuyển đổi cây trồng từ cây mía sang trồng cam sành của hộ ông Lê Phước Hậu, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành với mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; hay như mô hình nuôi trăn của hộ ông Lê Minh Đường, ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, cho thu nhập hàng năm trên 800 triệu đồng…
Bà Lê Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Để phong trào tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn, Hội Nông dân thị xã xác định tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, phấn đấu để phong trào phát huy về chất, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường, trong đó tiếp tục chú trọng đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp hội viên nông dân ngày càng tiến bộ trong kỹ thuật canh tác và cùng vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng là những nông dân thời hội nhập”.
Có thể bạn quan tâm

Dù chưa về đến cảng Sa Kỳ nhưng tàu cá của ngư dân Đỗ Thanh Huy, ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã được rất nhiều đầu nậu và thương lái chờ đợi. Về điều này, theo giải thích của một đầu nậu tên Lan là bởi “nghe tin tàu chú Huy toàn cá chuồn xanh.

Với những quyết tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, người sản xuất giống, người nuôi và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Hy vọng vụ tôm 2015 sắp tới sẽ đạt những kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra trong đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.

Cũng như nhiều hộ khác nuôi tôm ở trong vùng, ông Hòa mong muốn được các cơ quan nhà nước đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho nuôi tôm và hoàn chỉnh hệ thống điện 3 pha phục vụ việc nuôi tôm thâm canh. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu và phổ biến nhanh đến người nuôi tôm các biện pháp hiệu quả phòng trị bệnh cho tôm nuôi - nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, nhằm giúp người nuôi giảm được rủi ro do dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi, góp phần làm tăng hiệu quả của nghề nuôi tôm ở địa phương.

Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.