Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là một Nghị định quan trọng, quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản đối với sự phát triển của ngành thủy sản.
Đó là các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.
Đặc biệt, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép/vật liệu mới công suất lớn với lãi suất ưu đãi để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Nghị định đã có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP là nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định 67.
Về chính sách tín dụng, Điểm a, khoản 1, Điều 4 của Nghị định 67 được sửa đổi bổ sung nội dung “chủ tàu được thực hiện một hoặc nhiều nội dung:
Thay máy tàu; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa”
. Đồng thời bổ sung trường hợp đóng mới tàu vỏ vật liệu mới vào diện được hưởng chính sách tin dụng như tàu vỏ thép.
Nghị định 89/2015/NĐ-CP đã bổ sung nội dung mới của điểm c, khoản 1 Điều 4 của Nghị định 67.
Cụ thể “Đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa:
Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm”.
Đồng thời cũng quy định rõ “Tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định”.
Về thời hạn vay, điểm d, khoản 1, Điều 4 của Nghị định 67 được sửa đổi, bổ sung nội dung “Thời hạn cho vayhỗ trợ lãi suất: 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới”.
Đồng thời Nghị định 89/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ, quy định này được áp dụng cả với những Hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Về một số chính sách khác, Nghị định 89/2015/NĐ-CP đã bổ sung thêm khoản 5 Điều 7 của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN và PTNT xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nội dung thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư bao gồm đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ và trình tự thủ tục hỗ trợ; trong đó mức hỗ trợ đảm bảo tương đương với mức hỗ trợ của chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ NN và PTNT quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá
. Đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có máy thủy đã qua sử dụng; quy định riêng về tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
Về thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, Chính phủ giao Bộ NN và PTNT hướng dẫn, lựa chọn địa phương thiết kế mẫu tàu khai thác và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên phù hợp với nghề hoạt động và đặc trưng ngư trường, vùng miền; tổng hợp công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đảm bảo phù hợp với tập quán, đặc trưng vùng biển của địa phương, khu vực.
Nghị định 89/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2015.
Có thể bạn quan tâm

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích một số loại cây ăn quả kém hiệu quả trên địa bàn đang có xu hướng giảm. Đơn cử như cây vải, hiện chỉ còn khoảng 4.000 ha, giảm 15-20% diện tích so với 5 năm trước. Diện tích một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như nhãn, na, chuối, táo tăng lên do thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là chuối. Riêng 9 tháng của năm nay, nông dân trong tỉnh đã trồng được 83ha chuối.

Ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu chính là người khởi xướng và dày công vun đắp cho cuộc thi. Thủa ban đầu, với tên gọi “Bò sữa điển hình chất lượng cao”, cuộc thi diễn ra tương đối đơn điệu.

Ngày 8.10, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) vừa có chuyến khảo sát vùng trồng nhãn xã Tam Hiệp, H.Bình Đại.

Theo đó, giai đoạn 2014 - 2016, từ nguồn vốn tín dụng, vốn ngân sách T.Ư, địa phương và vốn huy động khác, Quảng Ngãi đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng để phát triển thủy sản. Trong đó, đầu tư hơn 2.434 tỉ đồng xây dựng 6 dự án hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...

Ngày 25/9, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến bằng văn bản về việc tiếp tục thực hiện triển khai thí điểm mô hình khai thác - bảo quản - thu mua - xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi sang thị trường Nhật Bản.