Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phức tạp
Kết quả bước đầu của việc lấy mẫu kiểm tra cho thấy vẫn có nhiều trường hợp dương tính với Salbutamol- một chất cấm trong chăn nuôi hiện nay. Ngày 18/11/2015, đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y tỉnh phát hiện 1 trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại huyện Vũng Liêm.
Bà Lê Thị Sậm (xã Trung Hiệp) cho biết thường xuyên có nhân viên tiếp thị đến quảng cáo sản phẩm giúp heo mau lớn, tăng trọng nhanh: “Nhà có đàn heo 9 con chậm lớn nên tôi mua 100g giá 100.000đ.
Cho heo ăn được 4 ngày tôi nghe thông tin trên báo đài về chất cấm trong chăn nuôi nên tôi ngưng cách đây 5 ngày.
Tôi không biết loại sản phẩm đó cho heo ăn là chất cấm”.
Từ tháng 9/2015, Chi cục Thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu nước tiểu heo giai đoạn xuất chuồng và thức ăn chăn nuôi tại các hộ, cơ sở chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra các chất cấm thuộc nhóm Beta- Agonist (chủ yếu là Salbutamol) trong các mẫu thử.
Qua kiểm tra nước tiểu heo thịt giai đoạn xuất chuồng và lấy mẫu kiểm tra tại 24 hộ, cơ sở nghi ngờ sử dụng chất cấm, ngành chuyên môn phát hiện 5 hộ, cơ sở có mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol.
Trong 5 hộ này thì có 4 hộ thừa nhận có sử dụng chất cấm, 1 hộ không thừa nhận.
Tổng đàn heo thịt giai đoạn xuất chuồng tại các điểm lấy mẫu có kết quả dương tính là 300 con.
Kết quả phân tích định lượng 7 mẫu nước tiểu heo thì có 6 mẫu dương tính với Salbutamol, nồng độ cao hơn từ 1,5 lần đến 175,5 lần so với quy định. Qua kiểm tra 2 mẫu thức ăn bổ sung không có nhãn mác hàng hóa tại cơ sở chăn nuôi (chủ cơ sở gọi là men tiêu hóa) cho kết quả dương tính với Salbutamol.
Kiểm tra 1 mẫu thức ăn bổ sung tại 1 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng cho kết quả tương tự.
Từ những phát hiện này, ngành chuyên môn trình UBND tỉnh đề nghị xử phạt cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi 70 triệu đồng, tiêu hủy toàn bộ lô hàng (2kg), đóng cửa 30 ngày đối với của hàng kinh doanh thức ăn bổ sung.
Chi cục Thú y tỉnh đang tập hợp hồ sơ trình cấp thẩm quyền trong đó đề nghị xử phạt 75 triệu đồng nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi, tịch thu 14kg (14 gói), đồng thời cung cấp hồ sơ cho Cảnh sát Kinh tế tỉnh truy xuất nguồn gốc lô hàng và xác định đối tượng cung cấp để xử lý.
Đối với hộ, cơ sở chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh xử phạt mỗi vụ 7,5 triệu đồng, buộc hộ, cơ sở chăn nuôi ngừng ngay việc sử dụng các tác nhân gây dương tính chất cấm, tiếp tục nuôi giữ đàn đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính thì mới được xuất bán.
Cơ sở chăn nuôi chịu mọi chi phí kiểm tra lần 2.
Đoàn kiểm tra yêu cầu tất cả các hộ đều phải viết cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo ghi nhận, hầu hết các trường hợp kiểm tra người chăn nuôi đều biết đến chất cấm và có thái độ lo ngại.
Ông Nguyễn Minh Hùng (xã Tân An Luông) cho hay, khi nghe báo, đài đưa tin, tôi lo lắng.
Heo nhiễm chất cấm thì người dân ngại ăn thịt heo nên giá thịt heo sẽ giảm.
Người chăn nuôi an toàn cũng bị ảnh hưởng lây.
Trong khi đó mình bán heo đi rồi thì mình cũng mua lại thịt heo mà ăn.
Sử dụng chất cấm giống như mình tự giết mình.
Thông qua những đợt kiểm tra như thế này tôi an tâm hơn vì sẽ hạn chế được tình trạng sử dụng chất cấm, tạo sự an tâm cho người chăn nuôi chân chính.
Có đàn heo 120 con, ông Lê Minh Thành (xã Tân An Luông) cho biết: “Tôi có nghe thông tin này nên không dám mua sử dụng vì nghe nói ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Ông Thành cũng đề nghị xử phạt nặng đối với những hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm và những người bán chất này để người tiêu dùng an tâm, người chăn nuôi an toàn cũng không bị ảnh hưởng.
Nhận định của ngành thú y tỉnh, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay khá phức tạp.
Việc chọn các hộ, cơ sở chăn nuôi để kiểm tra và lấy mẫu trong đợt kiểm tra có nhận được sự hỗ trợ cung cấp thông tin của người dân nên tỷ lệ dương tính khá cao.
Nhiều thông tin cho rằng chính các thương lái heo và nhân viên tiếp thị của các công ty thức ăn chăn nuôi là đối tượng bán chất cấm cho người chăn nuôi.
Việc phát hiện và bắt quả tang là rất khó thực hiện.
Trong khi đó, người chăn nuôi thường viện lý do vô tình sử dụng, không khai báo địa chỉ mua chất cấm.
Do đó, việc kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên kết hợp với công tác tuyên truyền và sự mạnh dạn tố cáo của người chăn nuôi mới có thể ngăn chặn được hành vi sử dụng chất cấm.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Ngành chuyên môn tiếp tục mở rộng kiểm tra đến năm 2016 tại tất cả các hộ, cơ sở chăn nuôi, điểm kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong toàn tỉnh.
Qua đó, kịp thời phát hiện những cơ sở sử dụng chất cấm, xử lý theo quy định cũng như tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ tác hại của loại chất cấm và cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Ít cả đất lẫn vốn nhưng vẫn có thể làm giàu nhờ trồng xen các loại cây trên cùng một diện tích. Đó là cách làm của nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) và ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước). Cách làm này vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hỗ trợ các loại cây cùng phát triển, vừa cho lợi nhuận cao, giảm được nỗi lo thất mùa, mất giá.

Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.

Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Nông dân Hoàng Văn Cát là một trong những người như thế.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP được mở rộng, hiệu quả sản xuất chăn nuôi được nâng cao. Đó là kết quả quan trọng của Chương trình phối hợp về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phía Bắc.

Ngày 22/4/2015, tại UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), ông Kim Ngọc Thái, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành tỉnh đã nghe lãnh đạo 04 huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành báo cáo về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vùng nước mặn - lợ.