Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chờ lúc chết người mới truy cứu

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chờ lúc chết người mới truy cứu
Ngày đăng: 10/11/2015

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đưa thuốc trừ cỏ vào chuối là những hành vi tàn độc, cần phải xử lý nghiêm minh.

Giải pháp ngăn chặn chậm, thiếu bền vững

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành, và 33 đoàn thanh tra đột xuất.

Qua kiểm tra xử lý đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Dù đã có nhiều nơi sản xuất rau sạch, nhưng người tiêu dùng không biết tìm mua rau sạch ở đâu (ảnh minh họa, chụp tại vùng sản xuất rau sạch Đông Anh, Hà Nội).

Ông Tiệp cho biết, hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng… Đáng lưu ý, qua kiểm tra, thanh tra Bộ đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu huỷ tại chỗ hơn 13kg hoá chất Vàng Ô (Vat Yellow), tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Salbutamol…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cung cấp thêm, các cơ quan chức năng lấy 1.000 mẫu nước tiểu ở vật nuôi, thì phát hiện 202 mẫu dương tính (chiếm 20%) và 58 mẫu thức ăn phát hiện 10 mẫu dương tính (chiếm 16%).

Tỷ lệ này cho thấy tình trạng vi phạm chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc là rất cao.

“Tôi đề nghị Thanh tra Bộ NNPTNT cần cung cấp thông tin cụ thể cho các địa phương để từ các mẫu dương tính này, các địa phương xác định những cơ sở thường xuyên vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, từ đó tìm ra các đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm” - ông Phát nói.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông lâm thuỷ sản trên diện rộng cho thấy, việc cải thiện tình hình ATVSTP còn chậm, thiếu bền vững khiến các vi phạm ATVSTP và tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C còn cao.

“Đừng sử dụng chất xì ke nữa”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, những quy định về đảm bảo ATVSTP không hợp lý cần tiếp tục đề xuất sửa đổi và đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác cho người dân.

Bộ NNPTNT sẵn sàng thưởng từ 1- 5 triệu đồng cho người dân phát hiện và tố giác các thông tin có giá trị, và các thông tin quan trọng có thể thưởng cao hơn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, sau khi đẩy mạnh tuyên truyền tác hại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, nhắc nhau “đừng sử dụng chất xì ke nữa”.

“Ngoài giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, chỉ cần ăn cái gì có khả năng gây chết người là phải xử lý chứ không chờ tới khi ăn chết rồi mới truy cứu trở lại” - bà Khanh đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, dù năm 2015 được chọn là năm ATVSTP nhưng tình hình ATVSTP chuyển biến còn chậm.Từ nay tới Tết Nguyên đán cần tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xử lý vi phạm ATVSTP và “mở lối” cho thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề ra các giải pháp để thực hiện vấn đề này là: Xử lý nghiêm các vấn đề vi phạm ATVSTP, các cơ quan có liên quan cần phải bàn thật kỹ, kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia để công bố cho người dân biết các địa chỉ bán thực phẩm sạch được Sở NNPTNT đảm bảo.

“Đi ra đường cứ thấy căng biển rau sạch, thịt sạch nhưng chẳng biết có sạch hay không thì không khuyến khích được những người sản xuất và người tiêu dùng tham gia.

Chúng ta phải công bố và chịu trách nhiệm với nhân dân, tôi yêu cầu Sở NNPTNT ở Hà Nội và TP.HCM phải làm trước”- ông Phát nói.

Theo Bộ trưởng, ngoài đấu tranh với hành vi vi phạm thì phải giúp những người làm thực phẩm sạch có đầu ra với giá cả xứng đáng công sức và tiền của họ bỏ ra.

“Quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho người dân, hiện có 10% thực phẩm không an toàn nhưng mất niềm tin lại là 100%.

Ngoài cửa hàng thực phẩm sạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương cũng phải tổ chức những hội chợ chỉ bán thực phẩm sạch để hướng dẫn người dân tìm đến sản phẩm an toàn” - ông Phát nói.

Đại diện Bộ Công an, ông Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cho hay: Quy định hiện hành là chỉ có buôn bán, tàng trữ còn sử dụng chất cấm thì chưa có quy định xử lý cụ thể.

Mặt khác, theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự, vi phạm về ATVSTP phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự.

Tức là có người chết, ngộ độc hàng loạt.

Nhưng các chất độc hại trong thực phẩm không làm người ăn chết ngay thì không phải hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng cần thay đổi quy định, tức là chỉ cần có hành vi đưa một lượng chất cấm vào chăn nuôi là đã vi phạm pháp luật, vậy mới xử lý được”- ông Bình nói.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn

Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.

24/12/2011
Thông Tin Thêm Bài Viết Thông Tin Thêm Bài Viết "Quy Trình Sinh Sản Nhân Tạo Tôm Rằn"

Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006

27/06/2011
Nuôi Cá Bống Bớp (Cá Thòi Lòi) Kết Hợp Với Rong Biển Nuôi Cá Bống Bớp (Cá Thòi Lòi) Kết Hợp Với Rong Biển

Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.

29/06/2011
Mở Rộng Diện Tích Trồng Cacao Xen Trong Vườn Dừa Mở Rộng Diện Tích Trồng Cacao Xen Trong Vườn Dừa

Phong trào trồng cacao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác đang phát triển mạnh ở hầu hết đất vườn Bến Tre. Cùng với 52.000 ha diện tích dừa, 43.000 ha diện tích cây ăn trái, khoảng 9.500 ha cacao đang phát triển khá tốt và có chiều hướng gia tăng.

28/12/2011
Áp Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Nuôi Trồng Thuỷ Sản Áp Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Trong những năm qua, khai thác lợi thế, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh. Phong trào nuôi ngọt phát triển khắp nơi, từ vùng rừng núi xa xôi đến đồng bằng rộng lớn, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, nơi giao thông còn gặp nhiều khó khăn

29/12/2011