Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chờ lúc chết người mới truy cứu

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chờ lúc chết người mới truy cứu
Ngày đăng: 10/11/2015

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đưa thuốc trừ cỏ vào chuối là những hành vi tàn độc, cần phải xử lý nghiêm minh.

Giải pháp ngăn chặn chậm, thiếu bền vững

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành, và 33 đoàn thanh tra đột xuất.

Qua kiểm tra xử lý đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.

Dù đã có nhiều nơi sản xuất rau sạch, nhưng người tiêu dùng không biết tìm mua rau sạch ở đâu (ảnh minh họa, chụp tại vùng sản xuất rau sạch Đông Anh, Hà Nội).

Ông Tiệp cho biết, hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng… Đáng lưu ý, qua kiểm tra, thanh tra Bộ đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu huỷ tại chỗ hơn 13kg hoá chất Vàng Ô (Vat Yellow), tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Salbutamol…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cung cấp thêm, các cơ quan chức năng lấy 1.000 mẫu nước tiểu ở vật nuôi, thì phát hiện 202 mẫu dương tính (chiếm 20%) và 58 mẫu thức ăn phát hiện 10 mẫu dương tính (chiếm 16%).

Tỷ lệ này cho thấy tình trạng vi phạm chất cấm trong chăn nuôi trên toàn quốc là rất cao.

“Tôi đề nghị Thanh tra Bộ NNPTNT cần cung cấp thông tin cụ thể cho các địa phương để từ các mẫu dương tính này, các địa phương xác định những cơ sở thường xuyên vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, từ đó tìm ra các đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm” - ông Phát nói.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông lâm thuỷ sản trên diện rộng cho thấy, việc cải thiện tình hình ATVSTP còn chậm, thiếu bền vững khiến các vi phạm ATVSTP và tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C còn cao.

“Đừng sử dụng chất xì ke nữa”

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, những quy định về đảm bảo ATVSTP không hợp lý cần tiếp tục đề xuất sửa đổi và đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác cho người dân.

Bộ NNPTNT sẵn sàng thưởng từ 1- 5 triệu đồng cho người dân phát hiện và tố giác các thông tin có giá trị, và các thông tin quan trọng có thể thưởng cao hơn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, sau khi đẩy mạnh tuyên truyền tác hại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, nhắc nhau “đừng sử dụng chất xì ke nữa”.

“Ngoài giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, chỉ cần ăn cái gì có khả năng gây chết người là phải xử lý chứ không chờ tới khi ăn chết rồi mới truy cứu trở lại” - bà Khanh đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, dù năm 2015 được chọn là năm ATVSTP nhưng tình hình ATVSTP chuyển biến còn chậm.Từ nay tới Tết Nguyên đán cần tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh xử lý vi phạm ATVSTP và “mở lối” cho thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề ra các giải pháp để thực hiện vấn đề này là: Xử lý nghiêm các vấn đề vi phạm ATVSTP, các cơ quan có liên quan cần phải bàn thật kỹ, kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia để công bố cho người dân biết các địa chỉ bán thực phẩm sạch được Sở NNPTNT đảm bảo.

“Đi ra đường cứ thấy căng biển rau sạch, thịt sạch nhưng chẳng biết có sạch hay không thì không khuyến khích được những người sản xuất và người tiêu dùng tham gia.

Chúng ta phải công bố và chịu trách nhiệm với nhân dân, tôi yêu cầu Sở NNPTNT ở Hà Nội và TP.HCM phải làm trước”- ông Phát nói.

Theo Bộ trưởng, ngoài đấu tranh với hành vi vi phạm thì phải giúp những người làm thực phẩm sạch có đầu ra với giá cả xứng đáng công sức và tiền của họ bỏ ra.

“Quan trọng nhất là lấy lại niềm tin cho người dân, hiện có 10% thực phẩm không an toàn nhưng mất niềm tin lại là 100%.

Ngoài cửa hàng thực phẩm sạch, từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương cũng phải tổ chức những hội chợ chỉ bán thực phẩm sạch để hướng dẫn người dân tìm đến sản phẩm an toàn” - ông Phát nói.

Đại diện Bộ Công an, ông Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cho hay: Quy định hiện hành là chỉ có buôn bán, tàng trữ còn sử dụng chất cấm thì chưa có quy định xử lý cụ thể.

Mặt khác, theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự, vi phạm về ATVSTP phải gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự.

Tức là có người chết, ngộ độc hàng loạt.

Nhưng các chất độc hại trong thực phẩm không làm người ăn chết ngay thì không phải hậu quả nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng cần thay đổi quy định, tức là chỉ cần có hành vi đưa một lượng chất cấm vào chăn nuôi là đã vi phạm pháp luật, vậy mới xử lý được”- ông Bình nói.


Có thể bạn quan tâm

86ha Tôm Nuôi Theo Mô Hình Kết Hợp Có Tôm Chết Rải Rác 86ha Tôm Nuôi Theo Mô Hình Kết Hợp Có Tôm Chết Rải Rác

Trong những tháng đầu năm, do điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước nên tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Giá Rai gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, hiện có 86ha tôm nuôi theo mô hình kết hợp bắt đầu xuất hiện tôm nuôi chết rải rác ở một số nơi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Giá Rai và xã Tân Thạnh.

08/06/2013
Hướng Tới Vùng Chuyên Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) Hướng Tới Vùng Chuyên Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

28/01/2013
Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Cho Cây Trồng, Vật Nuôi Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Cho Cây Trồng, Vật Nuôi

Công ty TNHH Sinh Thái Trung Việt (Gia Lai) vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải tổ chức Hội thảo hướng dẫn ứng dụng chế phẩm “Vườn sinh thái Rainbow” trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân xã Xuân Hải.

29/07/2013
Sâu Cuốn Lá Tấn Công Lúa Đông - Xuân Ở Ba Tri (Bến Tre) Sâu Cuốn Lá Tấn Công Lúa Đông - Xuân Ở Ba Tri (Bến Tre)

Đây là lời cảnh báo của ông Trần Vũ Thanh - kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần thuốc bảo vệ thực vật An Giang. Ông Thanh cho biết, theo dõi diễn biến sâu bệnh trên trà lúa vụ Đông - Xuân của nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre), thấy mật độ bướm nở ngày càng nhiều, nở rộ, gói lứa sâu liên tục.

29/01/2013
Nuôi Bồ Câu Pháp Lãi Hàng Chục Triệu Đồng Nuôi Bồ Câu Pháp Lãi Hàng Chục Triệu Đồng

Anh Võ Văn Bé là một trong những hộ đầu tiên ở ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện anh nuôi trên 120 cặp chim.

08/06/2013