Sốt giống nhãn kháng bệnh chổi rồng

Rất nhiều nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL đang lao đao vì dịch bệnh chổi rồng hoành hành, nhiều nhà vườn phải chặt bỏ cây thậm chí chuyển sang trồng cây ăn trái khác... Trong khi đó, vườn nhãn của lão nông Nguyễn Thanh Tâm (tên thường gọi là Ba Xê) ở ấp Phú Tây, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vẫn đang phát triển xanh tốt.
Kết quả này là nhờ ông Xê phát hiện loại giống nhãn mới có khả năng kháng bệnh chổi rồng, ông tạm gọi là nhãn Phú Tây. Ông cho biết: “Hơn 10 năm trồng nhãn, như nhiều nhà vườn khác tôi rất đau đầu với dịch chổi rồng, lúc nào cũng muốn tìm giống nhãn mới kháng được loại bệnh này. Năm 2012, tôi thử trồng nhiều giống khác cạnh vườn nhãn nhiễm bệnh chổi rồng nặng thì phát hiện ra 2 cây phát triển tốt, không nhiễm bệnh”.
Theo ông Xê, để cho chắc ăn, ông quyết định thử nghiệm ghép giống nhãn này với các gốc nhãn da bò của gia đình đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Sau thời gian quan sát, kết quả là phần cây phát triển lên từ giống nhãn lạ tiếp tục phát triển tốt và không hề có dấu hiệu bị lây nhiễm; trong khi đó các nhánh, chồi mọc ra trực tiếp từ gốc nhãn da bò thì tiếp tục bị bệnh tàn phá. Đến nay, 60 cây nhãn ghép thử đang phát triển rất tốt, không thấy bị bệnh chổi rồng, mặc dù ông Xê không sử dụng thuốc diệt nhện lông nhung gây ra bệnh chổi rồng. Vườn nhãn ghép của ông đã được 3 năm, tiếp tục phát triển xanh tốt, ông đánh giá 99% kháng được bệnh chổi rồng.
Ông cũng đã thử nghiệm xử lý cho 10 cây ra trái, kết quả đậu sai, trái lớn, hạt nhỏ, cơm dày và rất thơm ngon. Đặc biệt, khi ông đem giống nhãn này bán thử ra thị trường thì các chủ vựa trái cây nói người dùng rất thích và chấp nhận mua với giá cao hơn nhãn da bò. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà vườn ở miền Tây đến đặt hàng giống mới này.
Giống nhãn Phú Tây hiện được gia đình ông Ba Xê cùng Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam kiểm định và xác định tên tuổi. Ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sở đã cử cán bộ xuống tận nơi để kiểm tra thực trạng tại nhà vườn và cũng đang phối hợp Trường Đại học Cần Thơ để tiến hành đánh giá, kiểm tra ADN giống nhãn này, xem đây có phải là một giống nhãn mới có khả năng kháng chổi rồng hay không. Kiểm tra mắt thường thì đây là một giống nhãn có khả năng kháng được chổi rồng...”.
Ông Vũ Bá Quan - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách, cho hay: “Nếu có kết quả đánh giá chính thức mà tốt thì chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ, giới thiệu đến bà con đang trồng nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng”.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, tạo hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi bò, thời gian qua, huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã triển khai mô hình lai tạo đàn bò, nâng cao tỉ lệ bò lai của địa phương.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị triển khai "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường” (từ 25/6 - 25/7) trên địa bàn TP.

Sáng ngày 30/6, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống, quản lý thức ăn chăn nuôi năm 2015.

Dịch lở mồm long móng luôn là mối đe dọa đối với người chăn nuôi ở Quảng Nam. Nhiều năm qua, hầu như năm nào cũng có dịch. Đáng lo ngại là thời gian gần đây dịch lở mồm long móng bùng phát nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều đàn gia súc bị nhiễm bệnh, người chăn nuôi như đang ngồi trên đống lửa.
Bên những chiếc rổ nhựa chứa đầy ốc đinh được 3 người thân đang cào dưới đáy sông quanh khu vực TP Cà Mau, chị Nguyễn Thị Thuý, xã Dân Trạch Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, cười tươi cho hay, gần tháng qua, cứ khoảng 1,5 ngày cào ốc đinh, nhóm của chị thu hoạch trên 1 tấn. Với giá bán tại vuông tôm là 4.000 đồng/kg, chị Thuý thu về trên 4 triệu đồng.