Sơn La Hướng Mở Từ Mô Hình Xoài Ghép Chất Lượng Cao

Những ngày tháng 6, chúng tôi tới bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) thăm vườn xoài Đài Loan được ghép trên những gốc xoài địa phương.
Vừa bước vào vườn, chúng tôi ngỡ ngàng bởi thấy quả rất sai, nhiều quả vẫn còn non nhưng đã dài hơn gang tay người lớn, nặng tới cả cân đu sát mặt đất.
Anh Nguyễn Bá Thành, chủ vườn khoe: Vườn rộng 6.000 m2, năm 2004, tôi trồng gần 400 gốc xoài ta nhưng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế thấp, đến năm 2011, tôi đã ghép với giống xoài Đài Loan. Đến nay, các cành ghép đều phát triển tốt, những cây ghép năm thứ 3 đã cho gần 1 tạ quả/cây.
Nếu tính cả vườn, năm nay sẽ cho thu khoảng 15 tấn quả. Với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/kg, sẽ cho thu khoảng 300 triệu đồng. Tôi cũng nuôi thêm gà thả vườn và trồng thêm bí đao dưới gốc xoài, mỗi năm thu thêm 40-50 triệu đồng.
Giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) do Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam đưa vào ghép cải tạo thành công trên gốc cây xoài địa phương tại Trại thực nghiệm giống cây trồng cạn Mường Hồng (Mai Sơn).
Theo đánh giá của Trung tâm, hai giống xoài trên có khả năng chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt, thời gian ra hoa, đậu quả không khác nhiều so với các giống xoài địa phương; quả to, trọng lượng trung bình đạt từ 1-1,5 kg/quả; thịt quả dầy, rắn chắc, hạt mỏng, ăn ngọt đậm; sức sinh trưởng vượt trội so với các giống xoài khác, thời gian thu hoạch lại khá muộn và kéo dài. Trung bình mỗi cây sau ghép từ năm thứ 4 trở đi sẽ cho thu hoạch khoảng 70kg quả trở lên.
Ông Lò Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La cho biết: Hiện nay, Trung tâm đã ghép thành công hai giống xoài trên tại một số hộ gia đình ở các huyện: Mai Sơn, Mường La, Phù Yên, Yên Châu... Trung tâm sẵn sàng cung cấp giống, đồng thời cử cán bộ đến tận nơi để ghép và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây xoài ghép.
Vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam tổ chức cho gần 50 hộ trồng xoài ở các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu, Sông Mã, Mường La... tham gia Hội thảo đánh giá mô hình thâm canh giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) ghép cải tạo trên gốc xoài địa phương, tại Trại thực nghiệm giống cây trồng cạn Mường Hồng (Mai Sơn). Những người tham gia được tham quan thực tế vườn xoài ghép đã ra quả và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây xoài ghép theo tiêu chuẩn VIETGAP.
Hiện nay, tỉnh có hơn 18.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích xoài đạt gần 3.500 ha, chiếm 19% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Tuy nhiên, năng suất giống xoài địa phương mới chỉ đạt hơn 3 tấn/ha và sản lượng toàn tỉnh đạt hơn 11.000 tấn/năm.
Do quả nhỏ, chất lượng và mẫu mã không đồng đều nên giá trị kinh tế thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con trồng xoài vẫn theo phương pháp gieo hạt truyền thống, giống xoài không được tuyển chọn, không rõ nguồn gốc và chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc.
Với mô hình ghép cải tạo giống xoài địa phương bằng giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) là cơ hội giúp người nông dân có thu nhập kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để hướng tới xuất khẩu, bà con cần phải thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc cây xoài theo mô hình VIETGAP, vì chỉ có quy trình này mới đạt yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.

Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn huyện Đại Lộc tất tả thu hoạch dưa hấu vụ đông xuân. Trên nhiều cánh đồng dưa hấu, nông dân khẩn trương thu hoạch bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc.

Hiện nay sản phẩm tôm chiếm 65% trên tổng số lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa. Nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm chân trắng nói riêng đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi con tôm đang mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ nuôi trồng.

Những năm gần đây, ngoài sản xuất vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa mùa trong năm, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang còn tự phát gieo sạ vụ lúa Thu Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ 3 được đánh giá là lợi bất cập hại khi rủi ro rất cao.

Với hơn 40 loại rau, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, nhưng hiện vẫn thiếu hơn 350 nghìn tấn rau/năm so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để không phải nhập rau an toàn từ các địa phương khác đang trở thành mục tiêu phấn đấu của các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng rau ở Hà Nội hiện nay.