Sơn La Hướng Mở Từ Mô Hình Xoài Ghép Chất Lượng Cao

Những ngày tháng 6, chúng tôi tới bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) thăm vườn xoài Đài Loan được ghép trên những gốc xoài địa phương.
Vừa bước vào vườn, chúng tôi ngỡ ngàng bởi thấy quả rất sai, nhiều quả vẫn còn non nhưng đã dài hơn gang tay người lớn, nặng tới cả cân đu sát mặt đất.
Anh Nguyễn Bá Thành, chủ vườn khoe: Vườn rộng 6.000 m2, năm 2004, tôi trồng gần 400 gốc xoài ta nhưng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế thấp, đến năm 2011, tôi đã ghép với giống xoài Đài Loan. Đến nay, các cành ghép đều phát triển tốt, những cây ghép năm thứ 3 đã cho gần 1 tạ quả/cây.
Nếu tính cả vườn, năm nay sẽ cho thu khoảng 15 tấn quả. Với giá bán tại vườn là 20.000 đồng/kg, sẽ cho thu khoảng 300 triệu đồng. Tôi cũng nuôi thêm gà thả vườn và trồng thêm bí đao dưới gốc xoài, mỗi năm thu thêm 40-50 triệu đồng.
Giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) do Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam đưa vào ghép cải tạo thành công trên gốc cây xoài địa phương tại Trại thực nghiệm giống cây trồng cạn Mường Hồng (Mai Sơn).
Theo đánh giá của Trung tâm, hai giống xoài trên có khả năng chịu hạn và kháng sâu bệnh tốt, thời gian ra hoa, đậu quả không khác nhiều so với các giống xoài địa phương; quả to, trọng lượng trung bình đạt từ 1-1,5 kg/quả; thịt quả dầy, rắn chắc, hạt mỏng, ăn ngọt đậm; sức sinh trưởng vượt trội so với các giống xoài khác, thời gian thu hoạch lại khá muộn và kéo dài. Trung bình mỗi cây sau ghép từ năm thứ 4 trở đi sẽ cho thu hoạch khoảng 70kg quả trở lên.
Ông Lò Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản Sơn La cho biết: Hiện nay, Trung tâm đã ghép thành công hai giống xoài trên tại một số hộ gia đình ở các huyện: Mai Sơn, Mường La, Phù Yên, Yên Châu... Trung tâm sẵn sàng cung cấp giống, đồng thời cử cán bộ đến tận nơi để ghép và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây xoài ghép.
Vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam tổ chức cho gần 50 hộ trồng xoài ở các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu, Sông Mã, Mường La... tham gia Hội thảo đánh giá mô hình thâm canh giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) ghép cải tạo trên gốc xoài địa phương, tại Trại thực nghiệm giống cây trồng cạn Mường Hồng (Mai Sơn). Những người tham gia được tham quan thực tế vườn xoài ghép đã ra quả và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây xoài ghép theo tiêu chuẩn VIETGAP.
Hiện nay, tỉnh có hơn 18.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích xoài đạt gần 3.500 ha, chiếm 19% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Tuy nhiên, năng suất giống xoài địa phương mới chỉ đạt hơn 3 tấn/ha và sản lượng toàn tỉnh đạt hơn 11.000 tấn/năm.
Do quả nhỏ, chất lượng và mẫu mã không đồng đều nên giá trị kinh tế thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con trồng xoài vẫn theo phương pháp gieo hạt truyền thống, giống xoài không được tuyển chọn, không rõ nguồn gốc và chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc.
Với mô hình ghép cải tạo giống xoài địa phương bằng giống xoài Đài Loan (ĐL4) và giống xoài Úc (R2E2) là cơ hội giúp người nông dân có thu nhập kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để hướng tới xuất khẩu, bà con cần phải thực hiện đầy đủ quy trình chăm sóc cây xoài theo mô hình VIETGAP, vì chỉ có quy trình này mới đạt yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Với 3 mô hình VAC tiêu biểu cho từng vùng sinh thái như cải tạo vườn tạp và phát triển VAC miền núi; VAC hàng hoá ở các địa phương có nhiều cây ăn quả đặc sản; tiêu thụ sản phẩm ở những nơi cây ăn quả được trồng tập trung và thu nhập từ vườn là chính, dự án đã mang lại sức sống mới cho nhiều vùng đất khô cằn. Đã có 30 tỉnh - thành Hội với trên 1.000 hộ hội viên và nông dân được tham gia và hưởng lợi từ dự án.

Hiện nay, nông dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2013-2014. Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Lúa ÐBSCL, mực nước lũ năm 2013 không cao, tình trạng ngập lụt xảy ra chủ yếu do ảnh hưởng các đợt triều cường.

Để giúp người trồng tiêu hỗ trợ nhau trong đầu tư, phát triển cây tiêu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây tiêu có hiệu quả, làm cho cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, từ đầu năm 2013, Hội Nông dân huyện Hoài Ân (Bình Định) đã thành lập và đưa vào hoạt động CLB sở thích trồng tiêu ở xã Ân Thạnh…

Hữu Lũng là huyện miền núi, đồi rừng chiếm tới 3/4 diện tích canh tác nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho nghề nuôi ong rất lớn. Tuy nhiên, trước đây tiềm năng đó chưa được bà con khai thác hiệu quả.

Do giá cà-phê giảm mạnh, giá nhân công tăng cao nên nhiều gia đình ở xã Trường Xuân, huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông không thuê người thu hái để cà-phê chín trên cây.