Sóc Trăng Phát Triển Mô Hình Vườn Nhãn Da Bò Kiểu Mẫu

Qua hơn một năm thực hiện, mô hình vườn nhãn da bò kiểu mẫu ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cho hiệu quả rất cao, được thể hiện rõ ràng qua năng suất và lợi nhuận mà các nhà vườn tham gia vào mô hình thu được. Từ đó mô hình này đang được rất nhiều nông dân quan tâm và được định hướng để phát triển sang nhiều địa phương khác trong tỉnh.
An Lạc Tây có gần 1.000 ha trồng các loại cây ăn trái, trong đó nhãn da bò chiếm đa số - hơn 630 ha. An Lạc Tây cũng là một trong những xã có diện tích trồng nhãn nhiều nhất trong huyện Kế Sách, do đó việc nâng cao năng suất chất lượng các vườn nhãn tại đây là điều rất cần thiết và sẽ giúp cho lợi nhuận của các nhà vườn tăng lên rất nhiều.
Đầu năm 2013, mô hình vườn nhãn da bò kiểu mẫu được huyện Kế Sách thực hiện tại hợp tác xã Thắng Lợi ấp An Phú, xã An Lạc Tây, với diện tích là 60ha.
Các hộ được lựa chọn với tiêu chí là có vườn nhãn liền kề thuộc tuyến đường Nam Sông Hậu. Theo đó hiện tại có 176 hộ tham gia vào mô hình. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đáng quan tâm nhất là hiệu quả về kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Be ở ấp An Phú có hơn 6 công trồng nhãn, hiện đang chuẩn bị khoanh canh cho ra hoa. Ông cho biết do năng suất cao hơn nhiều so với trước đây, nên dù nhãn có giá thấp từ 10.000 đến 13.000 đ/kg nhà vườn vẫn có lời, hơn nữa khi nhãn có giá cao, lên đến 20.000 đ/kg, nhà vườn càng có lời gấp đôi.
Mặt khác khi tham gia vào mô hình trồng nhãn tập trung, nhà vườn sẽ được hỗ trợ mỗi công 300 ngàn đồng tiền phân thuốc, từ đó lợi nhuận càng cao hơn so với khi sản xuất riêng lẻ.
Điều đặc biệt là khi tham gia vào vườn nhãn kiểu mẫu, ngoài được hỗ trợ kinh phí, các nhà vườn được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến thăm vườn, được tham dự các cuộc tập huấn hội thảo về các biện pháp cắt tỉa, phun thuốc bón phân, biện pháp dưỡng cho cây ra cơi đọt mạnh để trổ hoa nhiều, đậu trái tốt. Vì phun thuốc bón phân đồng loạt và đúng theo hướng dẫn, các vườn nhãn phát triển rất tốt.
Trong khi Sóc Trăng hiện có gần 630 ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, thì các vườn nhãn trong mô hình không hề bị ảnh hưởng, và đang chuẩn bị cho một mùa ra hoa đậu trái mới. Cô Huỳnh Thị Mến ở ấp An Phú cho biết: “Từ khi tham gia thực hiện mô hình vườn cây ăn trái kiểu mẫu tối thấy có rất nhiều cái lợi Như: được hỗ trợ về kỹ thuật, chi phí sản xuất, năng suất cũng cao hơn”
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông thôn mới, xã An Lạc Tây đã xuất 200 triệu đồng để hỗ trợ phân thuốc và kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình. Từ kết quả khả quan mà mô hình này đã đạt được, năm 2014 xã có kế hoạch nhân rộng mô hình vườn nhãn kiểu mẫu này qua các ấp còn lại trong xã.
Ông Nguyễn Văn Tưởng – Phó chủ tịch UBND xã An Lạc Tây cho biết: “Hướng tới chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đợt tham quan mô hình vườn kiểu mẫu cho bà con nhà vườn, xã phấn đầu trong năm nay sẽ thành lập vườn nhãn kiểu mẫu ở ấp An Tấn khoảng 42 ha, và 42 hộ tham gia”
Nông dân đang rất háo hức để được tham gia mô hình này, nhưng nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên số hộ được tham gia chưa nhiều. Trong khi Sóc Trăng có hơn 3.600 ha đất trồng nhãn, thì mô hình vườn nhãn kiểu mẫu này thật sự rất đáng để trông chờ.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, người chăn nuôi tuy sản xuất ra sản phẩm nhưng chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên thường bị ép giá. Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng của các công ty...

Như tin đã đưa, ngày 30.1.2014, đàn vịt 2.000 con của anh Nguyễn Văn Long (48 tuổi, ngụ ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành - Tây Ninh) có dấu hiệu bệnh. Nghi chúng nhiễm cúm A/H5N1, anh Long đã tự đập đầu vịt và tiêu hủy hết 250 con.

Được biết, trước đó vào giữa tháng 1/2014 ông Thảo cũng đã thu hoạch 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, sau 67 ngày thả nuôi với số lượng 250.000 con giống, thu được 2,1 tấn tôm thương phẩm, giá bán 169.000 đồng/kg, thu về hơn 350 triệu đồng.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) dự báo, trong năm 2014, ngành cá tra Việt Nam còn quá nhiều bất cập cần giải quyết với kịch bản kim ngạch xuất khẩu cá tra cao nhất chỉ đạt 1,75 tỷ USD.

Sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô số hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.